Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thứ ba, 12/03/2013 16:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Sáng ngày 12/3/2013 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với sự tham gia của đại diện các Cục, Vụ, Văn phòng, đơn vị sự nghiệp, ban quản lý dự án, doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam; các Sở Xây dựng địa phương khu vực phía Bắc; các Hội, Hiệp hội chuyên ngành Xây dựng và một số chuyên gia. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Cao Lại Quang phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Lại Quang cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 136/QĐ-TTg ngày 11/1/2013 ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 , Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 174/QĐ-BXD ngày 06/2/2013 về kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng. Kể từ khi ra đời năm 1946 đến nay, Hiến pháp nước ta đã qua một số lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế đất nước của từng giai đoạn. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội qua văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI đã xác định mục tiêu định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì vậy cần phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm tốt hơn quyền con người và các quyền cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Do vậy việc sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.Việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thể hiện quyền và vai trò làm chủ của nhân dân đối với các vấn đề của quốc gia, đồng thời là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý hết sức quan trọng tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc xây dựng Hiến pháp, tôn trọng và thi hành Hiến pháp.

 



Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã phát biểu nhiều ý kiến tập trung góp ý sâu những nội dung trong toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; khẳng định tính đúng đắn của Điều 4 Hiến pháp như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam; khẳng định sở hữu toàn dân về đất đai, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước theo đường lối, quan điểm của Đảng được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)…



Đại diện cho khối doanh nghiệp, ông Đỗ Ngọc Thi – Phó tổng giám đốc TCty Vigracera phát biểu tham luận.
 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Cao Lại Quang đánh giá cao các tham luận và ý kiến đóng góp của các đại biểu với nhiều ý kiến rất sâu sắc, rất trách nhiệm và yêu cầu Ban Tổ chức Hội nghị tiếp thu và tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại Hội nghị chuyển đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.
 

Minh Tuấn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)