Nghiệm thu cơ sở đề tài “Nghiên cứu xây dựng danh mục tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam”

Thứ sáu, 26/06/2020 15:29
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 25/6/2020, tại trụ sở Cơ quan Bộ Xây dựng, Cục Phát triển đô thị tổ chức cuộc họp nghiệm thu cơ sở đề tài “Nghiên cứu xây dựng danh mục tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam”, do TS.Trần Quốc Thái - Phó Cục trưởng làm Chủ tịch Hội đồng.

Toàn cảnh cuộc họp

Bảo vệ đề tài trước Hội đồng, TS. KTS. Trần Ngọc Linh - Chủ nhiệm đề tài nêu lên sự cần thiết phải xây dựng danh mục tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, đồng thời cho biết, phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là hệ thống cơ sở dữ liệu đang ở dạng sơ khai; phương pháp thu thập thông tin cần được chuẩn hóa; dữ liệu đô thị vẫn chưa đảm bảo độ tin cậy, thiếu dữ liệu; nền tảng cơ chế chính sách vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản trị trong thời đại công nghệ số. Trong khi đó, phát triển đô thị thông minh cần nguồn lực đầu tư lớn, đặt ra yêu cầu bức thiết về vai trò điều phối các nguồn lực.

Nội dung Báo cáo tổng kết đề tài bao gồm các phần: Phát triển đô thị thông minh trên thế giới; Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam; Nỗ lực xây dựng tiêu chuẩn đô thị thông minh; Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng; Đề xuất danh mục tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng phục vụ phát triển đô thị thông minh.

Việc xây dựng danh mục tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam được thực hiện dựa trên các nguyên tắc: Nhu cầu quản lý nhà nước; tiến bộ khoa học công nghệ cũng như tiếp thu kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực phát triển đô thị thông minh; đảm bảo tính thống nhất của toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam; đảm bảo phù hợp với Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Kết thúc quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng danh mục tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, gồm 22 tiêu chuẩn, bao phủ các lĩnh vực phát triển đô thị thông minh, gồm: Quản lý đô thị thông minh; quản lý cơ sở dữ liệu hiện trạng dân cư, giao thông, đất đai và đầu tư xây dựng; quy hoạch đô thị thông minh; chia sẻ cơ sở dữ liệu và dịch vụ thông tin; phát triển và vận hành hạ tầng đô thị thông minh; giao thông thông minh; cấp nước, chiếu sáng; hệ thống quản lý tòa nhà BMS; hướng dẫn chung, các thuật ngữ liên quan cũng như kế hoạch thực hiện BIM.

Nhằm nâng cao chất lượng Báo cáo tổng kết đề tài, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng có những nhận xét, góp ý giúp nhóm nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Báo cáo. Theo Hội đồng nhận xét, nhóm nghiên cứu đã đầu tư nhiều thời gian, công sức sưu tầm tài liệu trong nước, quốc tế để phục vụ đề tài. Sản phẩm đề tài đảm bảo chất lượng, hệ thống tiêu chuẩn đề xuất đã bao gồm đầy đủ các lĩnh vực phát triển đô thị thông minh. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần nhấn mạnh vai trò cộng đồng cũng như yêu cầu kết nối giữa các Bộ ngành liên quan trong việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, đồng thời làm rõ hơn mục tiêu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về đô thị thông minh.

Kết luận cuộc họp, Phó Cục trưởng Trần Quốc Thái - Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao sự nghiêm túc, cố gắng của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện đề tài. Báo cáo tổng kết đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn, kết cấu logic, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, đối với các tiêu chuẩn liên quan đến các Bộ ngành, nhóm nghiên cứu cần phân loại tiêu chuẩn nào đã được thực hiện, tiêu chuẩn nào chưa để có hướng triển khai hợp lý. Bên cạnh đó, cần đề xuất thứ tự ưu tiên những tiêu chuẩn cần thiết phải thực hiện trước và phải đảm bảo tính thống nhất của toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.

Phó Cục trưởng Trần Quốc Thái đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp xem xét, thu đầy đủ ý kiến góp ý của các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng, rà soát, biên tập và hoàn thiện Báo cáo tổng kết đề tài để triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)