Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Thứ trưởng: Bùi Phạm Khánh, Phan Thị Mỹ Linh, Trần Văn Sơn; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng; Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Phạm Sỹ Liêm và các chuyên gia của Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao vai trò phản biện xã hội của Tổng hội Xây dựng Việt Nam - một tổ chức xã hội nghề nghiệp có uy tín và là nơi tập trung nhiều nhà khoa học và các chuyên gia giàu kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong 10 năm qua, Luật Xây dựng ban hành năm 2003 đã tạo được hành lang pháp lý quan trọng cho việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển và quản lý hoạt động xây dựng của nước ta. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành đã cho thấy, Luật Xây dựng 2003 đã bộc lộ một số hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất là chưa có các cách thức quản lý đối với các nguồn vốn đầu tư khác nhau; công tác tiền kiểm của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng bị coi nhẹ; trao nhiều quyền hạn cho chủ đầu tư trong việc thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán chi phí đầu tư xây dựng công trình dẫn đến việc lãng phí, thất thoát vốn đầu tư đối với các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Từ những hạn chế đó đã dẫn đến tình trạng nợ đọng xây dựng kéo dài, đầu tư dàn trải, làm ảnh hưởng đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô...Từ những vấn đề đó, Bộ Xây dựng đang dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi nhằm khắc phục những bất cập của Luật Xây dựng 2003, trong đó có những quan điểm đổi mới quan trọng, đó là: đầu tư xây dựng là một quá trình không tách rời, không chia cắt; các nguồn vốn khác nhau có cách quản lý khác nhau; tăng cường trách nhiệm và vai trò quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và các chủ thể xây dựng... Với tinh thần cầu thị, Bộ Xây dựng mong muốn Tổng hội Xây dựng Việt Nam, các nhà khoa học, các chuyên gia đóng góp ý kiến, sát cánh cùng Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, để Luật này sau khi được Quốc hội ban hành có sức sống và tính khả thi cao.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho biết, Luật Xây dựng có liên quan mật thiết đến nhiều Luật khác như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch Đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đấu thầu..., để hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương đã ban hành rất nhiều Nghị định, Thông tư, Văn bản hướng dẫn thực hiện. Qua đó cho thấy tính phức tạp của việc sửa đổi Luật Xây dựng.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng bày tỏ sự đồng tình với những quan điểm đổi mới của Bộ Xây dựng được đưa vào trong dự thảo Luật, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cho các nội dung cụ thể của dự thảo Luật.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trong dự thảo Luật Xây dựng cần thể hiện rõ các quan hệ chính, bao gồm quan hệ hành chính - giữa cơ quan nhà nước và các chủ thể xây dựng; quan hệ hợp tác kinh tế giữa các chủ thể trong hoạt động xây dựng, cung cấp dịch vụ xây dựng và quan hệ dân sự giữa công dân với công dân và pháp nhân. TS. Phạm Sỹ Liêm cũng nêu lên những kinh nghiệm của nước ngoài và đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét để có thể đưa vào dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng bày tỏ cám ơn những ý kiến đóng góp xác đáng và quý báu của các chuyên gia của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đồng thời Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu ban soạn thảo và tổ biên tập tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng hội Xây dựng Việt Nam, tranh thủ ý kiến và kinh nghiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi./.
Minh Tuấn