Báo cáo công tác chỉ đạo điều hành do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang trình bày tại hội nghị nêu rõ: 6 tháng đầu năm 2013, nền kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Lạm phát tuy được kiềm chế những vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại; sản xuất kinh doanh của các DN vẫn trong tình trạng khó khăn, hàng hóa tiêu thụ chậm, sức mua yếu, nợ xấu đang là gánh nặng của nền kinh tế. Tình trạng DN ngừng hoạt động hoặc giải thể tiếp tục tăng so với cùng kỳ, nhất là với các DN xây dựng, VLXD và kinh doanh BĐS. Trong bối cánh đó, Bộ Xây dựng đã có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, tập trung cao độ để thực hiện kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, công tác xây dựng thể chế, nhất là việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Xây dựng đã được thực hiện.
Tiếp tục hoàn thiện xây dựng thể chế
Bộ đã tiến hành tổng kết thi hành Luật Nhà ở và kinh doanh BĐS; hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị; tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành. 6 tháng qua, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 08 đề án, văn bản quy phạm pháp luật, đạt 80% so với KH đăng ký. Ngoài ra, Bộ đã ban hành theo thẩm quyền 08 thông tư và đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để ban hành 17 thông tư theo KH ...
Đồng thời với việc hoàn thiện thể chế, Bộ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, gắn với thực hiện Chiến lược quốc gia về nhà ở mà trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội (NOXH) theo tinh thần NQ 02 của Chính phủ. Đáng chú ý là sự ra đời của gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng cho vay mua NOXH. Nhờ có gói hỗ trợ này, hàng loạt dự án NOXH đã được triển khai, người có nhu cầu mua nhà thực có điều kiện vay vốn. Điều này không chỉ giúp cải thiện chỗ ở cho người dân mà còn góp phần kích cầu thị trường BĐS, VLXD, giảm hàng tồn kho. Bên cạnh đó, công tác quản lý đầu tư xây dựng, tái cấu trúc DN và xử lý nợ xấu đã được thực hiện như một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác 6 tháng đầu năm 2013…
Cần có cơ chế thu hồi nợ
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các DN đều cho rằng, tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh hiện nay đang rất khó khăn, đề nghị Bộ Xây dựng có những giải pháp tháo gỡ. Đại diện lãnh đạo TCty Sông Đà kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành có chính sách tháo gỡ khó khăn về vốn, cơ chế cho các dự án điện tại Lào. Hiện nay, các dự án tại Lào đang cùng chung cơ chế với các dự án trong nước là không hợp lý. Đại diện TCty LILAMA cho biết: Mức đầu cho dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng quá thấp, ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Đề nghị Bộ phối hợp với các Bộ ngành liên quan nâng mức vốn đầu tư và có cơ chế thu hồi nợ cho LILAMA tại dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí.
Trong lĩnh vực tư vấn xây dựng, lãnh đạo TCty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) cho biết: hiện nay, các Cty thành viên của VNCC làm ăn chưa thua lỗ nhưng áp lực cạnh tranh trong lĩnh vực tư vấn rất khốc liệt. Tại thị trường Việt Nam, tư vấn quốc tế đã giảm giá 20%, tư vấn trong nước giảm giá tới 40%. Đề nghị Bộ có cơ chế thu hồi nợ cho VNCC và tạo điều kiện để DN có thể tiếp cận với các dự án trong nước, trong đó có NOXH.
Liên quan đến lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ VLXD, đại diện TCty Công nghiệp xi măng Việt Nam(Vicem) cho biết: Sau một thời gian ngắn có dấu hiệu hồi phục, trong tháng 6 vừa qua, tiêu thụ xi măng lại giảm sút do đã đến mùa mưa. Trong khi đó, xuất khẩu xi măng còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, lãnh đạo Vicem đề nghị Bộ Xây dựng có định hướng chung để các DN xuất khẩu xi măng, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá xi măng quá thấp để xuất khẩu…
Bàn giao NOXH trước tết âm lịch
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: 6 tháng qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các đơn vị, DN đã hết sức tích cực, thắng thắn, trách nhiệm nên đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước đã có những đổi mới căn bản: Tập trung hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong đầu tư xây dựng-nhất là với các dự án sử dụng vốn nhà nước-từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình. Bên cạnh đó, công tác QH cũng được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển đô thị theo QH, kế hoạch; tập trung giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường BĐS, xử lý đất dự án bị hỏ hoang, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu; đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển NOXH, nhà cho người có thu nhập thấp; tập trung thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và tái cấu trúc DN ngành Xây dựng…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, trong thời gian tới, ngành Xây dựng vẫn đứng trước rất nhiều khó khăn: khối lượng xây dựng lớn nhưng việc kiểm soát chưa chặt chẽ nên chất lượng chưa đảm bảo; thị trường BĐS còn khó khăn dẫn đến những khó khăn của DN; nhiều công trình xây dựng còn gây lãng phí, tốn kém…Để giải quyết được những vấn đề trên, Bộ trưởng yêu cầu các DN, đơn vị cần tập trung vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục hoàn thiện thể chế và nghiên cứu toàn diện về thị trường BĐS, cũng như có giải pháp xử lý nợ xấu của DN. Cùng với tập trung tái cơ cấu và thực hiện tái cơ cấu, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan thuộc Bộ cần tập trung tháo gỡ khõ khăn, kiến nghị của DN. Liên quan đến việc thực hiện NQ 02 của Chính phủ, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Các DN BĐS cần tập trung vào việc triển khai NOXH, phấn đấu đến trước tết âm lịch phải hoàn thiện bàn giao cho người mua nhà”.
Theo : Báo Xây dựng điện tử