Ngày 23/3, tại Nhà hát Âu Cơ, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) phối hợp với Bộ KH&CN, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam - Giải thưởng WIPO (Giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) năm 2012. Đồng thời kỷ niệm 20 năm Quỹ Vifotec và đón nhận huân chương độc lập hạng nhì.
TS. Vũ Văn Dũng, ThS. Hoàng Lê Anh – Viện Vật liệu Xây dựng nhận Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2012
Trong 20 lần tổ chức Giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam, Viện VLXD đã 7 lần đạt giải vào các năm 1999 (2 công trình), năm 2000 (2 công trình), năm 2001 (1 công trình), năm 2004 (2 công trình); trong đó Công trình Công nghệ sản xuất xi măng bền sun phát cao chứa Bari (HSCR – B40) và Công nghệ sản xuất xi măng giếng khoan chủng loại G đã được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Năm 2012, Viện VLXD vinh dự có 1 công trình được nhận Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam, đó là “ Nghiên cứu chế tạo Bê tông chịu lửa không xi măng cho ngành công nghiệp luyện kim” của tác giả TS Vũ Văn Dũng ,ThS Hoàng Lê Anh cùng các cộng sự đoạt giải ở lĩnh vực Công nghệ vật liệu.
Nhóm tác giả đoạt giải chụp lưu niệm với Viện trưởng Viện VLXD
Được biết, trong 20 năm với 18 lần tổ chức Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam có gần 2000 công trình khoa học tham dự, Quỹ VIFOTEC đã trao giải cho gần 600 công trình, hàng vạn nhà khoa học, nhà sáng chế kỹ thuật và các doanh nhân. Đại đa số công trình đạt giải thưởng đã được áp dụng vào sản xuất và đời sống, đem lại hiệu quả kinh tế- xã hội cao, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, giữ vững an ninh quốc phòng, thúc đẩy phát triển KH&CN và chuyển giao công nghệ vào cuộc sống.
Năm 2012, Ban tổ chức giải thưởng đã nhận được 105 công trình tham gia, trong đó có 41 công trình được trao giải, thuộc 6 lĩnh vực: cơ khí – tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
Theo Báo Xây dựng điện tử