Nghiệm thu đề tài: Nghiên cứu sản xuất kính tiết kiệm năng lượng low-E bằng công nghệ phun phủ đi từ các vật liệu polyme vô cơ và hạt nano oxyt
Chủ nhật, 13/01/2013 07:00
Ngày 11/01/2013, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu sản xuất kính tiết kiệm năng lượng low-E bằng công nghệ phun phủ đi từ các vật liệu polyme vô cơ và hạt nano oxit” mã số RD29 -11 do Tổng Công ty thủy tinh và gốm xây dựng (Viglacera), Bộ Xây dựng thực hiện. ThS. Trần Đình Thái – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN & Môi trường, Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng.
Trần Đình Thái phát biểu kết luận cuộc họp
Theo báo cáo của TS. Trịnh Xuân Anh - chủ nhiệm đề tài, trong những năm gần đây, nhu cầu kính xây dựng trong nước tăng rất cao. Cùng với các vấn đề về môi trường khí hậu, tiêu chuẩn đặt ra đối với kính xây dựng hiện nay là đạt hiệu quả tiết kiệm năng lượng cao, tiến tới kính low –E sẽ dần thay thế kính phản quang, kính trắng. Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Nhật…sản phẩm kính low-E đang được sử dụng gần như 100% trong xây dựng các công trình mới. Do đó, việc nghiên cứu tạo ra chủng loại vật liệu mới cũng như đề xuất được giải pháp công nghệ cho kính xây dựng nhằm đạt được mục tiêu giảm chi phí năng lượng cho sản xuất và cho người tiêu dùng, thuận tiện cho các kiểu cách thiết kế xây dựng, mang lại các lợi ích về môi trường thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch và giảm phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính là hoàn toàn cần thiết.
Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều nhất trí đánh giá cao tính khoa học cũng như thực tế của đề tài. Các thành viên Hội đồng cũng đóng góp một số ý kiến về bố cục, cách dùng thuật ngữ sao cho phù hợp với tính chất của một báo cáo khoa học; về một số hướng nghiên cứu thêm (khả năng pha trộn các màu sắc) để nhóm tác giả hoàn chỉnh đề tài. Sản phẩm đề tài - bột nano oxit thiếc SnO2 pha tạp Sb có kích thước 5-10mm bằng phương pháp sol – gel, polyme vô cơ lai tạo từ các hợp chất alkoxide của silic, cũng như thành công của nhóm trong nghiên cứu chế tạo lớp phủ trên kính theo phương pháp phun phủ có tính chất về quang học đã được toàn thể Hội đồng đánh giá cao.
Kết luận cuộc họp, ThS. Trần Đình Thái bày tỏ sự nhất trí với các ý kiến đóng góp của Hội đồng, lưu ý nhóm tác giả chỉnh sửa lại một số nội dung cho ngắn gọn, mạch lạc; bổ sung thêm số liệu nhằm tăng tính thuyết phục của đề tài; đồng thời đề nghị nhóm tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hơn để sản phẩm kính đáp ứng tốt môi trường khí hậu của Việt Nam (nóng, ẩm).
Đề tài đã được nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá.
Phòng TT-TL