Kích cầu gián tiếp cho bất động sản

Thứ sáu, 25/01/2013 07:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với các giải pháp Chính phủ đưa ra, sẽ kích cầu gián tiếp cho bất động sản, làm tăng cầu, làm ấm thị trường BĐS, lưu thông nguồn tiền ứ đọng, góp phần ổn định kinh tế.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh thị trường BĐS phải phù hợp với nhu cầu phát triển, khả năng thanh toán, cải thiện đời sống nhân dân. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết như vậy tại phiên giải trình trước Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về giải pháp gỡ khó và phát triển thị trường bất động sản (BĐS) diễn ra sáng 24/1.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, do thiếu quy hoạch nên trong thời gian trước đây thị trường BĐS phát triển phong trào, tập trung vào nhà ở cao cấp, thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp, cung vượt quá nhu cầu xã hội, trong khi quản lý Nhà nước không theo kịp.

Do vậy, suy thoái kinh tế thế giới diễn ra, những hạn chế của thị trường BĐS bộc lộ rõ và dẫn đến tình trạng “đóng băng”.

Gỡ khó BĐS gắn với Chiến lược nhà ở quốc gia

Để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực BĐS, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng “không thể làm ngay được” mà phải thực hiện lâu dài. Theo đó, làm ấm thị trường BĐS phải theo nguyên tắc cân đối cung - cầu BĐS, tức là thị trường BĐS đáp ứng được khả năng phát triển, thanh toán của nền kinh tế, giúp cải thiện đời sống người dân.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng tin tưởng vào khả năng giải quyết tồn kho, xử lý nợ xấu cho thị trường BĐS, những giải pháp có điểm mới là gắn việc gỡ khó thị trường BĐS với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

“Lần đầu tiên, chúng ta có Chiến lược nhà ở quốc gia cho 2 loại nhà ở là nhà ở hàng hoá (theo cơ chế thị trường, cung cấp cho những người có khả năng thanh toán) và nhà ở phi hàng hoá (có thị trường nhưng khả năng thanh toán yếu và cần hỗ trợ Nhà nước). Mục tiêu của bất động sản phải hướng vào nhu cầu của người dân”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.

Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS như Chỉ thị 2196 năm 2011 của Thủ tướng về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản và mới nhất là Nghị định 02/2013/NĐ-CP.

“Với các giải pháp Chính phủ đưa ra, sẽ kích cầu gián tiếp cho bất động sản, làm tăng cầu, làm ấm thị trường BĐS, lưu thông nguồn tiền ứ đọng, góp phần ổn định kinh tế”.

Trong tháng này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định Phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó Bộ Xây dựng đã đề nghị thêm một số ưu đãi mới như: mở rộng đối tượng, nới rộng điều kiện được mua nhà ở xã hội, đặc biệt huy động các hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội; Nghị định Phát triển và quản lý nhà ở tái định cư, trong đó đề xuất hạn chế đầu tư nhà ở tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách mà đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, cho đối tượng tái định cư được ưu tiên mua nhà ở xã hội, mua nhà ở thương mại làm nhà tái định cư…

Trước lo ngại của các đại biểu về việc làm thế nào để chặn đầu cơ khi thị trường BĐS ấm lên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tập trung đầu tư nhà ở xã hội sẽ ngăn chặn đầu cơ dễ hơn vì phải đáp ứng tiêu chí mua nhà xã hội.

Còn với nhà thương mại thì tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt cả về quá trình bán hàng trên các sàn giao dịch cũng như trong quá trình vay vốn.

Gỡ khó cho bất động sản là cần thiết

Nhiều đại biểu cho rằng, trong phần “đóng băng” BĐS có một phần không nhỏ vốn nước ngoài, vốn tự có của cá nhân, tổ chức trong nước vậy có nên cứu hay không, hoặc coi đó là sự phân phối lại thu nhập trong xã hội?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thị trường BĐS liên quan nhiều lĩnh vực khác như điện, thép, nội thất, ngành phụ trợ liên quan, thị trường tài chính tiền tệ chứ không chỉ ngành xây dựng, vật liệu xây dựng.

Hơn nữa, sản phẩm BĐS không như các sản phẩm khác, có khối lượng công việc lớn, đầu tư lâu dài, dòng tiền vốn rất lớn nên nếu được khai thác hiệu quả sẽ góp phần cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm. Nếu thị trường BĐS “đóng băng” sẽ làm một lượng vốn lớn không luân chuyển dẫn tới nền kinh tế “đóng băng”.

Do đó, gỡ khó cho thị trường BĐS là gỡ khó cho cả nền kinh tế, doanh nghiệp BĐS và người dân mà trong đó tập trung vào quyền lợi của người dân.

Như đã đưa tin, Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu của Chính phủ ban hành ngày 7/1 đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ, cụ thể cho phân khúc nhà ở xã hội làm “điểm lửa” để từng bước làm ấm thị trường bất động sản.

Nghị quyết 02 nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ dành từ 20.000 – 40.000 tỷ đồng với thời hạn tối đa 10 năm để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại nhà nước cho vay mua nhà.

Đồng thời, các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại nhà nước) để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; và cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.

Trong quý I/2013, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành, hướng dẫn Quy chế cho vay các đối tượng trên để đảm bảo sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các khoản tín dụng này.

Theo : chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)