Theo báo cáo của ThS. Phạm Văn Thắng - chủ nhiệm đề tài – màng địa kỹ thuật HDPE là loại vật liệu chống thấm khá phổ biến hiên nay, được tạo ra bằng phương pháp thổi màng; và được sử dụng rộng rãi để chống thấm cho các công trình, làm lót đáy bãi chôn lấp rác, phủ đóng bãi chôn lấp rác chống ô nhiễm môi trường, làm lót đáy hồ nuôi thủy sản, lót đáy hồ chứa nước công nghiệp, lót đáy để chống thấm cho đê - đập – kênh mương, lót đáy chống thấm khi xây dựng các nhà máy hóa chất hay nhiệt điện, bồn bể chứa xăng dầu…Tại Việt Nam, tuy loại vật liệu mới này mới chỉ được sử dụng trong vài năm gần đây, song tiềm năng rất cao; mặt khác, trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều sản phẩm sản xuất trong và ngoài nước với các chỉ tiêu, chất lượng khác nhau. Để kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển thì yêu cầu nghiên cứu xây dựng một tiêu chuẩn TCVN thống nhất quy định quy cách của màng địa kỹ thuật HDPE là vô cùng cấp bách.
Với mục tiêu đề ra các chỉ tiêu phù hợp về yêu kỹ thuật cho màng địa kỹ thuật HDPE, xây dựng các phương pháp thử để xác định các chỉ tiêu kỹ thuật HDPE phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam có khả năng hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, kết hợp với việc tham khảo nhiều tài liệu Tiêu chuẩn nước ngoài như GM13, ASTM D6693 – 2010, ASTM D5596 – 03 (2009), ASTM G154 – 06 ( Mỹ)…, và nghiên cứu các sản phẩm trong và ngoài nước hiện đang có mặt trên thị trường xây dựng Việt Nam, nhóm đề tài đã đúc kết được bộ dự thảo tiêu chuẩn “Màng địa kỹ thuật HDPE – Yêu cầu kỹ thuật” bố cục 7 phần với các yêu cầu cụ thể về đo độ dầy, khối lượng riêng, độ phân tán muội, độ bền với tia tử ngoại, độ bền xé, độ bền chọc thủng…và “Màng địa kỹ thuật HDPE – Phương pháp thử” bố cục 9 phần, với 11 phương pháp thử được xây dựng mới, và 3 phương pháp thử được viện dẫn theo TCVN.
Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều nhất trí đánh giá cao tính thực tiễn của đề tài cũng như những cố gắng của nhóm tác giả trong việc thực hiện đề tài. Đề tài đáp ứng được nhu cầu rất cao của thực tế xây dựng tại Việt Nam trong những năm vừa qua. Các thành viên Hội đồng cũng đóng góp ý kiến về một số thuật ngữ, định nghĩa, khái niệm trong dự thảo, về bố cục để dự thảo rõ ràng, mạch lạc và dễ hiểu đối với mọi đối tượng. Một số nội dung cần lược bớt hoặc bổ sung thêm cho đúng với một văn bản quy phạm cũng được các thành viên đưa ra thảo luận cùng nhóm tác giả.
Kết thúc buổi họp, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu –ThS. Trần Đình Thái bày tỏ sự nhất trí với các ý kiến của thành viên Hội đồng, lưu ý nhóm tác giả tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo trong thời gian sớm nhất, để trình Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học & Công nghệ công bố.
Đề tài đã được nghiệm thu với kết quả xếp loại Xuất sắc.
Lệ Minh