Hội nghị thẩm định Đề án đề nghị công nhận thành phố Bạc Liêu là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bạc Liêu

Thứ năm, 27/03/2014 14:39
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 27/3/2014, tại cơ quan Bộ Xây dựng, Hội nghị thẩm định đề án đề nghị công nhận thành phố Bạc Liêu là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bạc Liêu đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh - Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Tham dự hội nghị về phía địa phương có đồng chí Lê Thị Ái Nam - ủy viên thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu; các đồng chí lãnh đạo thành ủy vàUBND thành phố Bạc Liêu; lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh. Về phía Trung ương có đại diện các Bộ ngành liên quan; đại diện Hội nghề nghiệp Việt Nam; lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ Xây dựng.

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh chủ trì Hội nghị thẩm định

Trình bày lý do và sự cần thiết lập Đề án, đồng chí Dương Thành Trung – Bí thư thành ủy thành phố Bạc Liêu cho biết: thành phố Bạc Liêu là trung tâm hành chính – chính trị - văn hóa của tỉnh Bạc Liêu, có vị trí thuận lợi nằm cen biển Đông, nằm trên các trục hành lang kinh tế đô thị của quốc gia và quốc tế như trục Quốc lộ 1A, Quốc lộ Nam Sông Hậu, đường cao tốc Bạc Liêu – Hà Tiên. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Bạc Liêu đã có những bước tiến vững chắc, được công nhận là đô thị loại III năm 2006 theo Quyết định số 1779/QĐ-BXD, và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh năm 2010. Qua 7 năm phát triển, được sự quan tâm của Trung ương và chính quyền địa phương, và với nỗ lực xây dựng một thành phố xanh-sạch-đẹp của người dân thành phố, Bạc Liêu đã có những thay đổi căn bản về diện mạo và chất lượng đô thị. Không gian đô thị được mở rộng; tốc độ đô thị hóa nhanh; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư nâng cấp đáng kể. GDP bình quân đầu người năm 2012 đạt 2095 USD bằng 1,52 GDP lần so với thu nhập bình quân đầu người trên cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố năm 2012 vẫn được duy trì ở mức cao và ổn định 13,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Các ngành dịch vụ - công nghiệp, xây dựng – nông, ngư nghiệp đều đạt mức tăng trưởng cao. Về cơ bản, Bạc Liêu đã đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại II, căn cứ theo Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 7/5/2009 của Chính phủ về việc Phân loại đô thị và Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 của Bộ Xây dựng về việc Quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định 42/2009/NĐ-CP. Việc công nhận thành phố Bạc Liêu là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bạc Liêu không những làm tăng thêm niềm tự hào, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền và nhân dân địa phương đang phấn đấu xây dựng quê hương ngày cành giàu mạnh, mà còn tạo cho thành phố thế và lực mới trong xu thế hội nhập, tác động lớn đến sự phát triển của toàn tỉnh, vùng liên tỉnh và vùng ĐBSCL.

Các báo cáo phản biện của Bộ Nội vụ và Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, và ý kiến của các thành viên khác trong Hội đồng đều đánh giá cao những kết quả Bạc Liêu đã đạt được trong lộ trình phấn đấu trở thành đô thị loại II, với rất nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mức quy định, như các chỉ tiêu về kinh tế xã hội, nhà ở và công trình công cộng, chiếu sáng công cộng... Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để địa phương nghiên cứu hoàn thiện Đề án, phát huy hiệu quả các tiềm năng sẵn có, khắc phục các nhược điểm còn tồn tại, vì sự phát triển bền vững của Bạc Liêu trong tương lai. Các ý kiến, đề xuất của Hội đồng tập trung vào định hướng phát triển du lịch của thành phố, với những sản phẩm đặc trưng như đờn ca tài tử Nam bộ (di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận vào tháng 12/2013); vườn chim Bạc Liêu; khu du lịch nhà công tử Bạc Liêu…; tập trung vào các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đại diện Bộ Tài nguyên –Môi trường, Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), đại diện các Hiệp hội Môi trường khu công nghiệp và đô thị Việt Nam, Hội cấp thoát nước đều nhận định: Bạc Liêu là một trong những khu vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ biến đổi khí hậu, với 12 km bờ biển. Do đó, vấn đề nhiễm mặn và xử lý độ mặn, vấn đề an toàn về cấp nước từ nguồn; các giải pháp trồng rừng phòng hộ ven biển; đê bao…cần được địa phương hết sức quan tâm và có các chính sách đầu tư kịp thời, phù hợp. Một số tiềm năng như chế biến thủy sản, năng lượng sạch - đặc biệt điện gió…cũng được Hội đồng thảo luận nhằm giúp địa phương hình thành định hướng phát triển công nghiệp, song song với việc phát triển du lịch vốn là thế mạnh sẵn có của địa phương.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thẩm định - Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh hoàn toàn nhất trí với các thành viên Hội đồng, công nhận thành phố Bạc Liêu là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bạc Liêu với số điểm trung bình 84,75 điểm. Thứ trưởng lưu ý: tuy có 28/49 chỉ tiêu đạt và vượt mức tiêu chí của đô thị loại II, trong đó nhiều chỉ tiêu rất ấn tượng như chức năng đô thị, hệ thống công trình hạ tầng đô thị…, song Bạc Liêu vẫn còn 04 chỉ tiêu đạt thấp và chưa đạt. Do đó, UBND tỉnh và thành phố cần khẩn trương khắc phục nhằm nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng cuộc sống người dân sau khi thành phố được nâng loại. Theo Thứ trưởng, để xây dựng thành phố phát triển bền vững, với nguồn thu ngân sách không cao và những khó khăn chung của cả nước hiện nay, tỉnh cần tập trung ưu tiên đầu tư, tránh đầu tư dàn trải; đồng thời đề ra các chính sách thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư. Trong tương lai không xa, Bạc Liêu cần xây dựng hình ảnh một đô thị khang trang, văn minh, hiện đại, là đô thị xanh - sạch, xứng đáng với vai trò đô thị trung tâm tiểu vùng ĐBSCL.

Phòng TT-TL
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)