Theo báo cáo của chủ nhiệm đề tài - từ những năm 60, theo định hướng công nghiệp hóa XHCN, tại miền Bắc nhiều khu công nghiệp (KCN) lớn đã được xây dựng, gắn với quá trình phát triển đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định...Tại miền Nam, phần lớn các đô thị như Sài Gòn, Biên Hòa...được hình thành với việc phát triển các KCN. Sau ngày giải phóng, đặc biệt trong thời kỳ đất nước đổi mới các KCN đã được hình thành tại khắp 54 tỉnh thành trong cả nước, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế –xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, một thực trạng rất cần quan tâm là hiện nay công tác quản lý các khu dân cư (KDC) phục vụ các KCN nhằm thực hiện xây dựng và quản lý đồng bộ các KCN chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, mặc dù đã có Nghị định 36/1997/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Quy chế KCN, KCX, khu công nghệ cao, Thông tư số 04/BXD-KTQH của Bộ Xây dựng hướng dẫn Nghị định số 36/1997/NĐ-CP , và một loạt các văn bản pháp luật liên quan như Luật Xây dựng năm 2003, Luật nhà ở năm 2005, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật đất đai năm 2006...Do đó, việc nghiên cứu đề tài này là rất cần thiết.
Đánh giá đề tài, các thành viên Hội đồng và các báo cáo phản biện đều nhất trí, đề tài rất thiết thực trong việc nghiên cứu đưa ra những đề xuất, những giải pháp nâng cao chất lượng chỗ ở cho công nhân trong KCN. Tuy nhiên, đề tài được nghiên cứu trền phạmvi rộng khắp cả nước nên nhiều vấn đề được nêu chưa cụ thể, số liệu trích dẫn chưa được cập nhật đầy đủ. Hội đồng đề nghị nhóm đề tài xác định rõ phạm vi, đối tượng nghiên cứu (người lao động trực tiếp- tức là công nhân, lao động gián tiếp trong KCN), làm rõ hơn khái niệm KDC (khu nhà ở cho công nhân, KDC, khu ĐTM thuộc KCN), cũng như nghiên cứu sâu hơn vấn đề đầu tư quản lý các KDC phục vụ KCN để cơ quan hữu quan lấy đó làm cơ sở đưa ra những cơ chế chính sách hợp lý phù hợp với từng mục tiêu, từng đối tượng.
Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng – TS. Nguyễn Trung Hòa đánh giá cao những cố gắng của nhóm tác giả trong việc nghiên cứu đề tài này. Nhìn chung, đề tài đã đáp ứng được yêu cầu thực tế; tuy nhiên cần hòan thiện, chỉnh sửa cấu trúc. cân đối lại hàm lượng phần tổng quan và kinh nghiệm các nước trên thế giới với phần nghiên cứu đề xuất. Đồng thời, TS. Nguyễn Trung Hòa cũng yêu cầu nhóm tác giả tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, hoàn chỉnh dự thảo trước tháng 8/2011 để chuyển tài liệu đến cơ quan hữu quan xem đó là cơ sở ban hành các chính sách mới. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu với kết quả Khá.
Lệ Minh