Đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định về Quản lý đầu tư phát triển đô thị

Thứ bẩy, 04/06/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 2/6, Đoàn công tác Bộ Xây dựng do Thứ trưởng TrịnhĐình Dũng dẫn đầu đã buổi làm việc với Tập đoàn Phát triển Nhà và đô thịViệt Nam nhằm lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định về Quản lý đầutư phát triển đô thị (thay thế Nghị định 02/2006/NĐ – CP về Quy chế khuđô thị mới).
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Hiệp – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Phát triển Nhà và đô thị Việt Nam cho biết: Những ý kiến Tập đoàn đóng góp đều được đúc rút từ thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng các khu đô thị mới (KĐTM) và nhà ở cũng như từ những vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai các dự án trong thời gian qua. Với kinh nghiệm thực tiễn của mình, Tập đoàn sẵn sàng cử cán bộ có kinh nghiệm, phối hợp với các bộ phận tham gia soạn thảo Nghị định quản lý dự án phát triển đô thị để các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này nhanh chóng hoàn thiện, được áp dụng và đi vào thực tiễn cuộc sống, đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Theo nhận định của Tập đoàn, Nghị định 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của Chính phủ về Quy chế KĐTM đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong lĩnh vực phát triển ĐTM. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm đi vào áp dụng, bên cạnh những yếu tố tác động tích cực đến quá trình phát triển các dự án KĐTM, Nghị định này đã bộc lộ những tồn tại, bất cập mà cần phải có một Nghị định khác sửa đổi hoặc thay thế. Tập đoàn đề nghị bộ phận soạn thảo cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện triển khai áp dụng Nghị định 02/2006/NĐ-CP, qua đó, phân tích những mặt tích cực cần tiếp tục phát huy, vận dụng vào Nghị định mới và những tồn tại, bất cập cần khắc phục, điều chỉnh. Đơn cử, công tác đấu thầu giao chủ đầu tư dự án phát triển KĐTM không thể thực hiện được sau 05 năm đưa Nghị định vào thực hiện do không xác định được các tiêu chí đối với dự án chưa giải phóng mặt bằng. Và thực tế cho thấy chưa có dự án KĐTM nào đã được giải phóng mặt bằng đưa ra đấu thầu.

Cũng theo Tập đoàn, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị định quá rộng. Quy định về phát triển đô thị nói chung, bao gồm cả tái thiết, phát triển nhà ở... Trong khi đó, các nội dung này đã được điều chỉnh bằng nhiều Luật khác như Luật Đầu tư, Luật Nhà ở...

Theo Tập đoàn, đối tượng điều chỉnh của Nghị định này chỉ tập trung vào lĩnh vực phát triển khu đô thị là khu vực phát triển và khu vực mở rộng đô thị hiện có để tránh trùng lặp với các Luật, Nghị định khác đã ban hành đồng thời cần nghiên cứu quy mô cụ thể cho 02 loại dự án này.

Bên cạnh đó, vì chỉ tập trung vào lĩnh vực phát triển KĐT là khu vực phát triển, mở rộng đô thị hiện có, nội dung Nghị định cũng cần quy định theo hướng bắt buộc áp dụng Nghị định này đối với các dự án phát triển đô thị. Tránh tình trạng hiện nay, công tác đầu tư, phát triển các dự án KĐT được mỗi địa phương vận dụng một Luật khác nhau, thiếu sự thống nhất trong cả nước.

Tập đoàn cũng cho rằng: Trong Dự thảo Nghị định rất nhiều nội dung trùng lắp hoặc chưa thống nhất với các Luật, Nghị định đã ban hành. Các nội dung về bồi thường giải phóng mặt bằng (Điều 21) đã được thể hiện trong Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn, nội dung về quản lý chất lượng công trình đã có trong Luật Xây dựng... không cần đề cập lại trong Nghị định này.

Trong Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (Nghị định 71/2010/NĐ-CP) dùng tên gọi “Chủ đầu tư cấp 2” nhưng trong Dự thảo Nghị định sử dụng thuật ngữ “Chủ đầu tư thứ phát”, Tập đoàn đề nghị sử dụng một tên gọi cho thống nhất giữa các văn bản.

Theo Luật Quy hoạch đô thị không còn thuật ngữ Quy hoạch tỷ lệ 1/2000 mà gọi là Quy hoạch phân khu, cần sửa đổi nội dung Điều 10 khoản 4, Điều 17 khoản 2, Điều 19 khoản 1 điểm a, Điều 21 khoản 2 trong dự thảo Nghị định cho thống nhất với Luật Quy hoạch đô thị.

Điều 14 khoản 1 mục a tiết 2 quy định năng lực tài chính của Chủ đầu tư cấp 1 phải có vốn sở hữu đưa vào dự án ít nhất là 20% tổng mức đầu tư dự án là chưa phù hợp với quy định tại Điều 12 khoản 2.b Nghị định 71 và Điều 5 Nghị định 153/2007/NĐ-CP (Quy định Chủ đầu tư có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên). Tập đoàn đề nghị sửa tiết này cho phù hợp với Điều 12 của Nghị định 71.

Điều 18 khoản 4 quy định về việc Chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển giao cho chính quyền địa phương 20% diện tích đất kinh doanh đã có hạ tầng để tạo quỹ đất xây dựng nhà cho người thu nhập thấp (không phân biệt quy mô diện tích dự án) là không phù hợp với nội dung quy định tại khoản 2 điều 32 của Nghị định 71/2010/NĐ-CP (Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, KĐTMM có quy mô >10ha nếu được UBND tỉnh yêu cầu mới phải thực hiện trách nhiệm này và phần diện tích chuyển giao được hoàn trả hoặc trừ vào các nghĩa vụ tài chính chủ đầu tư phải nộp cho nhà nước các khoản bồi thường GPMB, chi phí xây dựng HTKT của phần diện tích chuyển giao). Hơn nữa, thực tế có những địa phương do tính đặc thù, họ không có nhu cầu xây nhà thu nhập thấp, nếu cứ bàn giao cho họ 20% quỹ đất là sự lãng phí không cần thiết. Do đó, đề nghị sửa nội dung này cho phù hợp với NĐ 71 như sau: “Trên cơ sở nhu cầu của chính quyền địa phương và theo quy hoạch được duyệt, Chủ đầu tư chuyển giao cho chính quyền địa phương không quá 20% diện tích đất kinh doanh đã có hạ tầng để tạo quỹ xây dựng nhà ở xã hội và sẽ được hoàn trả suất đầu tư hạ tầng”. Vì vậy, trong công tác soạn thảo cần rà soát kỹ các Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn đã ban hành để tránh trùng lắp hoặc không thống nhất giữa các văn bản pháp luật.

Ngoài ra, Tập đoàn còn góp ý một số ý kiến chi tiết đối với nội dung Dự thảo Nghị định. Theo đó, nội dung của Dự thảo chưa quy định rõ về trình tự, thủ tục mà chủ đầu tư cần triển khai từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi được giao làm chủ đầu tư dự án, cũng chưa quy định rõ trình tự thụ lý hồ sơ, ra quyết định chấp thuận đầu tư, quyết định đầu tư. Do đó, đề nghị trong Dự thảo cần bổ sung những quy định quan trọng này.

Về nội dung khuyến khích nhà đầu tư phát triển KĐT, Ban soạn thảo cần nghiên cứu ban hành các quy định khuyến khích nhà đầu tư phát triển dự án KĐT. Trong nghị định nên có quy định thực hiện phương án đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, không nên đặt vấn đề thu ngân sách từ tiền sử dụng đất ban đầu của dự án, mà thu ngân sách nhà nước chỉ từ sau khi triển khai thực hiện dự án.

Tại khoản 3, điều 8, nên bổ sung khoản “Được khấu trừ kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi GPMB vào tiền sử dụng đất phải nộp”;

Mục b, khoản 6, điều 10, Dự thảo Nghị định quy định việc điều chỉnh quy hoạch theo thẩm quyền phải có sự thoả thuận của Bộ Xây dựng hoặc Thủ tướng Chính phủ. Quy định này nên chuyển thành thành cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thì phù hợp hơn và cũng cần quy định rõ chỉ trong trường hợp điều chỉnh quy hoạch phân khu mới cần phải có sự thỏa thuận của Bộ Xây dựng hoặc Thủ tướng Chính phủ (do trong đoạn 2 mục này đã nghiêm cấm việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án làm ảnh hưởng đến mật độ dân cư, gây áp lực cho hệ thống hạ tầng,..)

Tập đoàn cũng cho rằng cần nghiên cứu, nâng cao vai trò của Bộ Xây dựng trong lĩnh vực phát triển ĐTM, đặc biệt là vấn đề đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền giao chủ đầu tư dự án, nhất là những dự án có quy mô lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng. là động lực phát triển kinh tế xã hội của các vùng, miền, khu vực…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Đình Dũng ghi nhận những đóng góp của Tập đoàn Phát triển Nhà và đô thị Việt Nam cho dự thảo Nghị định về Quản lý đầu tư phát triển đô thị (thay thế Nghị định 02/2006/NĐ – CP về Quy chế KĐTM). Những đóng góp này rất có ý nghĩa vì Tập đoàn không chỉ giàu kinh nghiệm thực tế mà còn là Tập đoàn kinh tế nhà nước có vai trò quan trọng trong việc tham gia điều tiết thị trường BĐS.

Ban soạn thảo sẽ tiếp thu những ý kiến, trên cơ sở đó chỉnh sửa dự thảo và tiếp tục gửi lại Tập đoàn đóng góp ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
 
Theo : Báo Xây dựng điện tử
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)