Như vậy, tiến độ đã đề ra trong các nghị quyết và quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ được bảo đảm.
Trong cuộc đối thoại về việc giải quyết khó khăn nhà ở cho sinh viên tổ chức tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 29/11, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP năm 2009 về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên và nhà ở cho công nhân lao động, Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên, Bộ Xây dựng đã khẩn trương triển khai việc hướng dẫn và đôn đốc các địa phương, các bộ, ngành có liên quan tổ chức lập danh mục các dự án.
Trong 2 năm qua, các địa phương và đơn vị đã đăng ký 194 dự án, với khoảng 4.853.000m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 820.830 sinh viên. Các dự án nhà ở sinh viên đã được phân bổ tổng số vốn 5.500 tỷ đồng.
Đến ngày 30/10/2010, các dự án đang triển khai đã hoàn thành khối lượng xây lắp trị giá hơn 6.000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân được khoảng 4.182 tỷ đồng, chiếm 74% số vốn đã được phân bổ.
Theo ước tính của Bộ Xây dựng, đến hết thời điểm 31/12, các dự án đang triển khai sẽ có khối lượng xây lắp đạt 8.000 tỷ đồng, đảm bảo đúng tiến độ giải ngân Chính phủ đề ra.
Hiện tại, công tác xây nhà ở cho sinh viên đang thuận lợi vì nhận được sự ủng hộ từ phía địa phương. Đa số các địa phương đã triển khai tích cực trong việc chuẩn bị đất sạch, lập dự án đầu tư và chọn nhà thầu tư vấn, thi công theo quy định. Nhiều địa phương đã ưu tiên dành những khu đất đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, với vị trí thuận lợi thuộc trung tâm đô thị và có giá trị cao để xây dựng nhà ở sinh viên như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Ước tính giá trị tiền sử dụng đất, chi phí đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của 94 dự án đã được phân bổ vốn trái phiếu giai đoạn 2009-2010 đã lên tới khoảng trên 10 ngàn tỷ đồng. Nếu không dành quỹ đất nêu trên để xây dựng nhà ở cho sinh viên, các địa phương có thể bổ sung nguồn thu ngân sách địa phương mình thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án theo quy định của pháp luật.
Tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản cho biết, để đạt được mục tiêu 60% số sinh viên trong cả nước có cơ hội tiếp cận quỹ nhà ở sinh viên với tiêu chuẩn tối thiểu 4m2 sàn sử dụng mỗi người thì cần phải có kế hoạch đầu tư xây dựng mạnh mẽ hơn, cung cấp chỗ ở cho khoảng hơn 2 triệu học sinh, sinh viên nữa.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến năm 2015, sẽ có khoảng 3,5 triệu trong số 5 triệu sinh viên cả nước có nhu cầu về chỗ ở trong ký túc xá. Trong khi đó, số chỗ ở đã đầu tư từ trước năm 2009 đạt khoảng 770.000 nghìn, số chỗ ở trong giai đoạn 2009-2010 đạt khoảng 330.000 chỗ. Do đó, trong giai đoạn 2011-2015, cần đầu tư xây dựng để đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1,2 triệu học sinh, sinh viên nữa.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư nhà ở cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề cho thuê cho giai đoạn 2011-2015.
Tổng mức đầu tư giai đoạn này lên tới 30.000 tỷ đồng, mỗi năm 6.000 tỷ đồng.
Nguyên tắc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ trong năm tới sẽ ưu tiên phân bổ đủ vốn cho các dự án đã khởi công trong năm 2009, hoàn thành bàn giao, đã đưa vào sử dụng năm 2010 và các dự án sẽ hoàn thành trong năm 2011. Ưu tiên các dự án đã có đất sạch, đã có dự án được phê duyệt và đã xác định chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Trần Nam tin tưởng, “bằng nỗ lực và sự chung tay của xã hội, mục tiêu 60% sinh viên có nhu cầu được ở trong ký túc xá vào năm 2015 hoàn toàn có thể thực hiện được".