Hội thảo giới thiệu chính sách và tham vấn triển khai dự án CDM theo Chương trình PoA-CDM trong sản xuất gạch không nung tại Việt Nam

Thứ tư, 10/11/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 10/11/2010 tại Hà Nội, Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam và Công ty tư vấn đầu tư Intraco đã phối hợp tổ chức Hội thảo giới thiệu chính sách và tham vấn triển khai dự án CDM theo Chương trình PoA-CDM trong sản xuất gạch không nung tại Việt Nam.

TS. Thái Duy Sâm phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội VLXD Việt Nam, ông Trần Đình Thái - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường Bộ Xây dựng, ông Hoàng Anh Dũng - Giám đốc Công ty Intraco, Bà Suzanne Chew - Giám đốc kinh doanh CDM Đông Nam Á - Tập đoàn Tài chính TFS, Vương Quốc Anh, ông Manfred Lottig đến từ TUV Rheinland Malaysia/Singapore - tổ chức thẩm định được Liên hợp quốc công nhận, và các đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các sở khoa học công nghệ địa phương, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây không nung, các viện nghiên cứu và nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài. TS. Thái Duy Sâm đã phát biểu khai mạc và chủ trì Hội thảo.

Theo TS. Thái Duy Sâm, sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) thay thế gạch đất sét nung hiện đang là xu hướng và là nhu cầu cấp thiết ở nước ta nhằm tiết kiệm tài nguyên đất, năng lượng, giảm phát thải CO2, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Để đẩy mạnh phát triển VLXKN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020, trong đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển VLXKN, các giải pháp khuyến khích phát triển VLXKN thông qua các cơ chế chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế, hỗ trợ chuyển giao công nghệ ...

Toàn cảnh Hội thảo

Theo tham luận của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hội thảo, Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto về giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nước ta chưa có nghĩa vụ phải cắt giảm phát thải khí nhà kính nhưng phải thực hiện một số nghĩa vụ chung như Thông báo quốc gia, kiểm kê quốc gia khí nhà kinh, xây dựng và đánh giá các phương án giảm nhẹ khí nhà kính, biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu...ở Việt Nam, cơ quan đầu mối trong nước về Cơ chế phát triển sạch (CDM) là Cục Khí tượng thủy và và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo các quy định hiện hành của Việt Nam, các dự án CDM tại Việt Nam phải đáp ứng một số yêu cầu như: trên cơ sở tự nguyện; giảm phát thải khí nhà kính; phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương, ngành, địa phương; góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững; khả thi với công nghệ tiên tiến và có nguồn tài chính phù hợp; lượng giảm phát thải là có thực, được tính toán và kiểm tra trực tiếp hoặc gián tiếp và có kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể; không sử dụng kinh phí từ nguồn ODA để thu được các Chứng nhận giảm phát thải (CERs) chuyển cho bên đầu tư dự án CDM từ nước ngoài; có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; được sự ủng hộ của các bên liên quan; được nước chủ nhà phê duyệt; thực hiện đăng ký với Ban chấp hành quốc tế về CDM và được Ban này chấp thuận; không làm phát sinh bất kỳ trách nhiệm mới nào cho Chính phủ Việt Nam so với nội dung đã được quy định trong Nghị định thư Kyoto.

Chho đến 30/10/2010, Ban chấp hành quốc tế về CDM đã công nhận 36 dự án CDM của Việt Nam (lượng giảm khí nhà kính vào khoảng 13,8 triệu tấn CO2), 2 dự án đã được cấp CERs.

Thuyết trình về lợi ích kinh tế từ CDM của các dự án sản xuất gạch không nung, ông Ywert Visser - chuyên gia CDM của Công ty Intraco đã so sánh, một nhà máy sản xuất gạch nung theo phương pháp truyền thống công suất 35 triệu viên/năm sẽ tiêu thụ khoảng 7.000 tấn than/năm và phát thải khoảng 14.000 tấn CO2/năm, trong khi nhà máy sản xuất gạch không nung (2,6kg/viên) có cùng công suất, sử dụng 10% xi măng và tiêu thụ 500MWh điện mỗi năm có thể giảm phát thải mỗi năm khoảng 10.635 tấn CO2. Hiện nay, mỗi CER (1 tấn CO2 = 1 CER) được chuyển nhượng với giá 12 USD trên thị trường, từ đó cho thấy những hiệu quả kinh tế của dự án.

Theo bà Suzanne Chew đến từ Công ty TFS, thị trường cacbon quốc tế năm 2009 trị giá khoảng 144 tỷ USD, trong đó các dự án CDM mới chỉ chiếm 2%, đạt khoảng 2,7 tỷ USD. Các dự án CDM chủ yếu là của Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil dẫn đến sự phân phối lợi nhuận từ CDM là chưa công bằng đối với khu vực châu Mỹ La tinh, Nam Phi và Đông Nam Á.

Các dự án CDM thông thường không khuyến khích đối với những dự án quy mô nhỏ vì chi phí cho việc lấy chứng nhận CER cao, trong khi lợi nhuận từ việc bán CER thấp. Chính vì vậy các dự án nhỏ cần nhóm lại thành một Chương trình, gọi tắt là PoA -CDM để giảm chi phí giao dịch, giúp các dự án nhỏ có thể tiếp cận nguồn thu từ CDM. Tuy nhiên thách thức là phải quản lý tốt PoA cùng với đơn vị điều phối có kỹ năng quản lý và các bên tham gia Chương trình.

TFS đã phối hợp với Cty Intraco thực hiện 6 chương trình PoA tại Việt Nam, bao gồm: Lắp đặt bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời tại miền Nam, Việt Nam; Chương trình khí sinh học ở Việt Nam; Chương trình thủy điện nhỏ thân thiện quản lý bởi Cty Intraco; Chương trình phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam; Chương trình thủy điện nhỏ bền vững tại Việt Nam; Chương trình hoạt động gạch không nung - là PoA đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất VLXKN do Intraco điều phối.

Theo ông Hoàng Anh Dũng - giám đốc Intraco, chương trình phát triển các dự án gạch không nung thành dự án CDM theo chương trình PoA nhằm hỗ trợ phát triển các dự án sản xuất gạch không nung tại Việt Nam thông qua bổ sung nguồn thu từ dự án CDM. PoA là chương trình triển khaui các dự án theo cơ chế CDM cho một tập hợp các dự án nhỏ vượt qua các rào cản tiến hành thành dự án CDM theo cách thông thường. Hai loại công nghệ được đưa vào chương trình PoA bao gồm: công nghệ sản xuất gạch không nung từ tro bay không sử dụng xi măng và công nghệ sản xuất gạch bê tông khí chưng áp.

 Minh Tuấn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)