Tại Pháp, qua các buổi tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo cấp cao, phía bạn đã đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến việc phát triển hơn nữa các mối quan hệ, hợp tác trong lĩnh vực xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông. Chính phủ Pháp rất sẵn sàng tham gia các dự án phát triển đô thị của Việt Nam.
Ngài Phó chủ tịch Hội đồng Vùng Ile-de-France đã đánh giá mối quan hệ của Vùng với Hà Nội là hợp tác mẫu mực và phát triển nhất, mong muốn thông qua Viện đào tạo chuyên ngành đô thị IMV sẽ có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa cho TP Hà Nội trong công tác quy hoạch đô thị.
Qua trao đổi với Quốc vụ khanh phụ trách Giao thông Pháp - ngài Dominique Busserau, đoàn đã tìm hiểu, đề xuất các cơ hội hợp tác trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong việc thi công, vận hành, quản lý các công trình giao thông nói chung, kinh nghiệm xây dựng đường sắt đô thị, đường sắt trên cao, hầm đường bộ nói riêng. Bộ trưởng với Quốc vụ khanh Pháp cũng đã chứng kiến lễ ký các biên bản ghi nhớ giữa Cty CP Đèo Cả với các đối tác Pháp trong việc đầu tư xây dựng hầm đường bộ đèo Cả tại Việt Nam.
Đoàn đã dành nhiều thời gian để trao đổi và tìm hiểu kỹ về mô hình quản lý vùng đô thị và quản lý từng khu vực cụ thể của Thủ đô Paris; nghe giới thiệu các kinh nghiệm thực tiễn của các tập đoàn Vinci, Apave và Cty tư vấn Egis Becom, tìm hiểu dự án hầm đường cao tốc A86 phía tây Paris từ công tác thiết kế cho đến quản lý vận hành, phục vụ cho việc triển khai thực hiện các dự án tương tự của Việt Nam.
Đoàn cũng đã đến thăm và làm việc với Trường Sư phạm kỹ thuật Cachan, nơi đào tạo nhiều chuyên gia giỏi cho Pháp và thế giới, mở ra cơ hội hợp tác giữa trường Cachan với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu của Bộ.
Tại Anh, các cuộc làm việc, tiếp xúc với phía bạn tập trung vào các nhóm vấn đề chính như minh bạch hoá trong hoạt động xây dựng, mô hình đối tác công tư trong phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng và phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã hội kiến với ngài Paul Morell - cố vấn trưởng về xây dựng của Chính phủ Anh và ông Christiaan Poortman - Chủ tịch Tập đoàn cố vấn quốc tế, cố vấn trưởng cho chương trình Sáng kiến minh bạch hoá trong Xây dựng.
Đoàn tham quan Công viên sáng tạo BRE (Tổ chức Nghiên cứu Anh), gồm 12 tòa nhà trình diễn các nội dung bền vững, giảm thiểu hoặc không phát tán khí thải các-bon và tìm hiểu về các chính sách bền vững trong công tác xây dựng nhằm hoàn thành các cam kết về lộ trình giảm thiểu khí thải các-bon theo Nghị định thư Kyoto của Vương quốc Anh. Các kinh nghiệm của bạn cho thấy, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật và phát triển thị trường công nghệ và vật liệu, một yếu tố mấu chốt là làm sao để vấn đề này phải được sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn thể xã hội.
Đoàn cũng đã trao đổi với lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Anh và các chuyên gia hàng đầu về PPP của Phòng Thương mại và Công nghiệp Anh về các kinh nghiệm, bài học thành công và thất bại trong việc triển khai các dự án hợp tác công-tư (PPP) tại Vương quốc Anh và trên toàn thế giới. Nội dung trao đổi cho thấy, mô hình PPP về bản chất là sử dụng hiệu quả tài chính của khối tư nhân để cung cấp các dịch vụ công mà Nhà nước chịu trách nhiệm trong khi cộng đồng được hưởng chất lượng dịch vụ tối ưu nhất. Để đảm bảo các yêu cầu đó của mô hình PPP, đồng thời thu hút được các nhà đầu tư tư nhân, kinh nghiệm của Vương quốc Anh đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của giai đoạn xây dựng hồ sơ dự án và nội dung của hợp đồng giữa Chính quyền và nhà thầu, với sự tư vấn của các chuyên gia giỏi về PPP.
Đoàn đã có cuộc gặp gỡ bàn tròn với các tập đoàn, Cty tư vấn hàng đầu của Anh về xây dựng, kiến trúc, quy hoạch như Atkins, Benoy, Forster and Partners, Halcrow, Buro Happold, MACE, Mott and McDonald; nghe giới thiệu về năng lực và trao đổi về cơ hội hợp tác tham gia thị trường tư vấn xây dựng tại Việt Nam. Đoàn cũng đã thăm quan công trường thi công các công trình Olympics London 2012, tìm hiểu về kiến trúc, công nghệ xây dựng và tính bền vững của dự án này.
Qua các nội dung trao đổi, làm việc và tìm hiểu thực tế, đoàn nhận thấy có thể nghiên cứu vận dụng một số kinh nghiệm của nước bạn vào điều kiện của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam cần xây dựng Luật Đô thị nhằm điều chỉnh các hoạt động xây dựng đô thị từ cấp vùng cho tới cấp công trình đơn lẻ, bảo đảm sự thống nhất trong quản lý, tạo điều kiện huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội phục vụ cho quản lý và phát triển đô thị theo quy hoạch.
Một kinh nghiệm khác ghi nhận được là Việt Nam cần nhanh chóng nghiên cứu ban hành các quy định quy chuẩn tiêu chuẩn công trình xanh, hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh để sớm ngăn ngừa các tác động lâu dài về môi trường, bảo đảm phát triển đô thị bền vững. Đoàn cũng cho rằng Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý cho công tác xã hội hoá đầu tư xây dựng thông qua các mô hình liên kết công - tư (PPP), phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm thu hút có hiệu quả các nguồn lực từ khu vực tư nhân cho việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội của đô thị.
Theo : Báo Xây dựng điện tử