Ngày 21/12/2009 Hội đồng KHCN Xây dựng - Bộ Xây dựng đã tiến hành nghiệm thu dự án "Sản xuất vật liệu chịu lửa từ nguyên liệu gạch chịu lửa phế thải của lò nung xi măng và phế liệu gốm kỹ thuật, sứ vệ sinh".
Bảo vệ môi trường đã trở thành mối quan tâm lớn đối với các quốc gia. Yêu cầu quan trọng về trách nhiệm xã hội của tất cả các tổ chức ở mọi lĩnh vực, tôn trọng tính bền vững của môi trường đã nổi lên như là một mối quan tâm lớn đối với mỗi quốc gia.
Theo thống kê hàng năm tiêu thu VLCL và lượng phế thải của một số nhà máy xi măng lò quay lớn và phế liệu gốm sứ kỹ thuật và sứ vệ sinh phía Bắc ước tính tới hàng nghìn tấn. Trước hiện trạng trên nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tận dụng phế thải của một số nhà máy xi măng và phế liệu gốm sứ kỹ thuật và sứ vệ sinh để tái sản xuất thành các sản phẩm hữu ích cho xã hội, Bộ Xây dựng đã giao Dự án nghiên cứu "Sản xuất vật liệu chịu lửa từ nguyên liệu gạch chịu lửa phế thải của lò nung xi măng và phế liệu gốm kỹ thuật, sứ vệ sinh" cho Viện Vật liệu Xây dựng thực hiện.
Mục tiêu của dự án
- Xác lập các biện pháp xử lý, chế biến thích hợp nhằm tái sử dụng phế thải chịu lửa lò quay xi măng, và phế thải gốm sứ đạt tiêu chí về kinh tế và bảo vệ môi trường.
- Xác lập công nghệ tái chế phế thải gốm kỹ thuật, sứ vệ sinh đạt yêu cầu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu chịu lửa.
- Chế tạo, sử dụng thử một số sản phẩm chịu lửa thông dụng.
Nhóm đề tài đã thống kê được lượng phế thải của lò nung xi măng và phế liệu gốm sứ kỹ thuật và sứ vệ sinh của một số nhà máy khu vực phía Bắc và phân tích thành phần hoá học của các loại phế thải đó, tiêu chuẩn phân loại phế thải và sơ đồ thu gom, phân loại, bảo quản phế thải chịu lửa từ lò quay; sơ đồ thu gom, phân loại phế liệu gốm sứ kỹ thuật và sứ vệ sinh. Nghiên cứu đưa ra thành phần phối liệu để chế tạo một số sản phẩm như vật liệu đầm, vá, lò luyện thép; bê tông chịu lửa bền kiềm; gạch chịu lửa kiềm tính không nung.
Theo đánh giá của Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - ThS Trần Đình Thái - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu là Dự án này ngoài việc góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực qua việc giảm phí bảo vệ môi trường và thu được một lượng nguyên liệu khá lớn mà nếu tận dụng sản xuất sẽ giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, để dự án thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị tạo nguồn phế thải, quy trình phân loại, từ nhà sản xuất đến người sử dụng.
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc.
Minh Tâm