Điểm đáng chú ý là HĐNTNN đã xác nhận các hạng mục công trình phục vụ thông xe cầu Vĩnh Tuy được xây dựng có chất lượng phù hợp so với yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn, thiết kế về các tiêu chí an toàn chịu lực, an toàn vận hành và an toàn môi trường. HĐNTNN cho phép chủ đầu tư thông xe công trình cầu Vĩnh Tuy kể từ ngày 16/9/2009. Tuy nhiên, việc thông xe chính thức dự kiến trong khoảng cuối tháng 9.
Theo Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn (đơn vị chủ đầu tư), cầu Vĩnh Tuy (nằm tại hai quận Long Biên, Hai Bà Trưng – Hà Nội) được xây dựng từ tháng 2/2005, theo tiêu chuẩn đường phố chính cấp I, tốc độ thiết kế 60km/h. Động đất chịu cấp 8 theo khu vực. Cho đến nay, công tác triển khai dự án để phục vụ thông xe cơ bản đã hoàn thành. Đối với phần cầu chính vượt sông cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn lại các công tác hoàn thiện như: vệ sinh lòng dầm hộp, sơn kiến trúc phần cầu thuộc gói thầu số 9, lắp đặt hệ thống chiếu sáng trong lòng hộp.
Về chất lượng công trình, trong quá trình thi công, cọc khoan nhồi, đã xảy ra khiếm khuyết tại một số cọc nhưng đã kịp thời xử lý. Đáng chú ý tại trục T57 thuộc gói thầu số 13 đã bị kẻ trộm, cắt trộm cốt thép đầu cọc khoan nhồi. Do đó Tư vấn thiết kế đã phải thiết kế kéo dài thân trụ thêm 1,3m và tính toán cho thấy không ảnh hưởng gì đến chất lượng và khả năng chịu lực của công trình…
Theo kế hoạch thông xe, các phương tiện lưu thông trên địa bàn quận Long Biên và phía bắc qua cầu Vĩnh Tuy sẽ được thực hiện như sau; Một là, đối với các phương tiện có tải trọng nhỏ hơn 10 tấn, mô tô, xe máy có thể đi theo tuyến đường đê tả Hồng, tuyến đường Thạch Bàn, tuyến trục trong khu công nghiệp Hanel được kết nối với các tuyến đường của dự án cầu Vĩnh Tuy lên cầu dẫn đi qua phía Minh Khai. Các phương tiện khi đi trên trục đường đê tả Hồng, đường Thạch Bàn đi vào dự án cầu Vĩnh Tuy sẽ không được rẽ vào trục giao thông trong khu công nghiệp Hanel và ngược lại.
Hai là, các phương tiện có tải trọng lớn hơn 10 tấn phải đi ra đường Nguyễn Văn Linh, sau đó đi vào tuyến trục chính trong khu công nghiệp Hanel nối với dự án để đi lên cầu qua phía Minh Khai và các phương tiện sẽ không được rẽ qua tuyến đường Thạch Bàn.
Ba là, các phương tiện đi từ Long Biên qua cầu, đi vào nội thành có thể thực hiện rẽ xuống đường đê Nguyễn Khoái hoặc đi thẳng xuống đường Minh Khai để đi vào nội thành. Các phương tiện muốn đi vào phía Nam, đi thẳng xuống đường Minh Khai để rẽ vào đường Nguyễn Tam Chinh. Riêng đối với các phương tiện rẽ về phía cầu Chương Dương sẽ rẽ xuống nhánh CV1C.
Bốn là, các phương tiện lưu thông trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và phía Nam qua cầu Vĩnh tuy để đi qua địa bàn quận Long Biên và phía Bắc, cụ thể như sau: Các phương tiện đi nội thành hoặc từ phía Nam có thể đi vào các tuyến đường Minh khai để đi qua Long Biên. Đối với các phương tiện từ phía Thanh Trì có thể lên cầu bằng cách đi trên đường đê Nguyễn khoái và rẽ vào nhánh CV1B để đi lên cầu.
Năm là, các phương tiện đi từ hướng cầu Chương Dương về phía cầu Vĩnh Tuy sẽ đi qua gầm cầu để rẽ vào nhánh CV1A để đi lên cầu. Sau khi các phương tiện lên cầu sẽ đi theo hướng: Các xe tải trong nhỏ hơn 10 tấn, thô sơ có thể rẽ vào các tuyến đường trong khu công nghiệp Hanel; đường Thạnh Bàn và đường đê tả Hồng để lưu thông đi các hướng. Riêng các phương tiện lớn hơn 10 tấn bắt buộc phải đi vào tuyến đường Hanel để rẽ ra đường Nguyễn Văn Linh đi các nơi.
Mặt khác, tại buổi nghiệm thu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cũng khuyến nghị chủ đầu tư nên lắp đặt hệ thống quan trắc, lập “trạng thái 0” để theo dõi biến dạng của cầu trong quá trình khai thác theo quy trình quan trắc.
Theo Hà Nội Mới