Nghiệm thu đề tài: Nghiên cứu xử lý đất đồi Lai Châu để sản xuất gạch nung trong lò tuy nen

Thứ hai, 18/06/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 16/6/2007, Hội đồng KHCN chuyên ngành Xây dựng đã nghiệm thu đề tài " Nghiên cứu xử lý đất đồi Lai Châu để sản xuất gạch nung trong lò tuy nen" do kỹ sư Trần Văn Cần thuộc Viện Vật liệu Xây dựng làm chủ nhiệm đề tài.

Nguyên liệu để sản xuất vật liệu nói chung, gạch ngói nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, khâu khảo sát, đánh giá chất lượng nguyên liệu ban đầu là rất cần thiết. Nhà máy gạch Tam Đường - Lai Châu được xây dựng nhằm cung cấp gạch xây cho thị xã Lai Châu mới, song do nguồn sét đồi ở đây chưa được thăm dò đánh giá đầy đủ nên khi đưa vào sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, lượng phế phẩm mộc và sau nung lên tới 70%. Vì vậy, Sở Xây dựng Lai Châu đã đề xuất với Bộ Xây dựng tìm biện pháp nghiên cứu xử lý đất đồi Lai Châu để sản xuất gạch nung trong lò tuy nen, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà máy.

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài bao gồm: nghiên cứu công nghệ xử lý đất sét đồi kém dẻo, chất lượng xấu nhằm cải thiện chất lượng và làm giảm phế phẩm sản xuất gạch đỏ xây dựng. Sản phẩm gạch sau nung đạt các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 1450:1998 cho gạch rỗng và mở rộng khả năng sử dụng nguồn sét đồi, giảm thiểu sử dụng sét ruộng làm gạch đỏ xây dựng cho các tỉnh miền núi.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã xử lý theo 4 giải pháp chính: Tăng cường ngâm ủ sét để đồng nhất độ ẩm, cải thiện tính dẻo; Tăng cường thiết bị nghiền trộn nguyên liệu để cải thiện thành phần hạt và tính dẻo; Phối trộn với các nguồn nguyên liệu khác để cải thiện thành phần nguyên liệu và Nghiên cứu bổ sung phụ gia hoá học để cải thiện tính dẻo và tăng cường độ liên kết của đất sét Lai Châu.

Cách giải quyết từng bước như trên chứng tỏ nhóm nghiên cứu có trách nhiệm rất cao với đề tài và đặc biệt quan tâm đến lợi ích kinh tế của giải pháp xử lý. Kết quả mà đề tài đạt được có thể ứng dụng vào các loại đất đồi khác có thành phần tương tự nhằm hạn chế sử dụng đất ruộng làm gạch tại các tỉnh miền núi khan hiếm nguồn nguyên vật liệu, mở ra một đánh giá mới là có thể xây dựng được các nhà máy gạch ở vùng đồi với nguyên liệu mà bản thân nó không đạt tiêu chuẩn đất sét sản xuất gạch ngói để cung cấp vật liệu xây dựng cho khu vực trung du, miền núi rất khó khăn về vận chuyển. Đất đồi sau khi được xử lý có thể trở thành nguyên liệu dùng để sản xuất gạch ngói đạt chất lượng cao, đáp ứng các chỉ tiêu về kích thước, cường độ nén, các chỉ tiêu kỹ thuật... theo Tiêu chuẩn Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã giải quyết được vấn đề lớn của nhà máy gạch Tam Đường, cụ thể: sau khi áp dụng các giải pháp xử lý, lượng phế phẩm giảm từ 70% xuống còn 10%. Nếu Nhà máy sản xuất đạt công suất 10 triệu viên/năm thì hiệu quả kinh tế của việc áp dụng các giải pháp xử lý của đề tài sẽ giảm chi phí sản xuất trên 5 tỷ đồng/năm, góp phần không nhỏ vào việc tồn tại và phát triển của nhà máy gạch Tam Đường.

Với các kết quả mà nhóm nghiên cứu đã đạt được, đề tài " Nghiên cứu xử lý đất đồi Lai Châu để sản xuất gạch nung trong lò tuy nen" đã được Hội đồng đánh giá cao và xếp loại Xuất sắc.

Nguyễn Hồng Trang

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)