Chiến lược phát triển thành phố: Phải coi đó là trách nhiệm của cả cộng đồng

Thứ tư, 30/05/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân tại Hội thảo “Chiến lược phát triển đô thị” CDS do Bộ Xây dựng, Hiệp hội các Đô thị Việt Nam và Ngân hàng Thế giới WB tổ chức tại TP. Cần Thơ ngày 25/5 vừa qua. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đại diện 87/94 đô thị từ loại IV trở lên của cả nước.

CDS - phương pháp mới trong cách làm quy hoạch đô thị

Trước hết, theo các chuyên gia của WB, từ “quy hoạch” ở đây cần được hiểu là chiến lược trong mọi lĩnh vực chứ không chỉ bó hẹp là quy hoạch xây dựng đô thị. Và có thể nói, trong những năm gần đây tốc độ phát triển rất nhanh, vai trò rất lớn. Nếu như năm 1998 chúng ta có khoảng hơn 500 đô thị thì đến nay có hơn 700 đô thị, trong đó 94 đô thị xếp từ loại 4 trở lên. Hiện cả nước đã có 24 triệu dân tương đương với 27% dân số cả nước sống trong các đô thị. Theo dự báo của WB, với tốc độ tăng trưởng ở mức 6%/năm, đến năm 2025, sẽ có khoảng 50% dân số nước ta sinh sống tại các đô thị. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sự phát triển đô thị của nước ta phần lớn đang mang tính tự phát. Dù các cấp ngành đã có nhiều sự cố gắng trong việc quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường sống, môi trường làm việc… nhưng vẫn chưa mang lại những hiệu quả khả quan. Vì vậy, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Hiệp hội các đô thị Việt Nam đã thí điểm đưa CDS vào một số TP như: Cần Thơ, Nam Định, Hải Phòng, Hạ Long, Đồng Hới… như một cách làm mới về hệ thống quy hoạch đa ngành và phân cấp quản lý về chiến lược cho các đô thị. Sau 3 năm thực hiện CDS, các đô thị đã có những chuyển biến khả quan.

Báo cáo kinh nghiệm của UBND TP Cần Thơ nêu rõ, CDS đã cung cấp cho chính quyền TP những cơ sở khoa học để lập nên những chiến lược phát triển theo những kế hoạch ngắn hạn 2 - 3 năm, trung hạn 5 năm và dài hạn 10 năm. Các kế hoạch này được coi là “thực đơn” gồm nhiều sự lựa chọn để khuyến khích đầu tư trong TP. Trước hết, đó là sự rà soát lại các quy hoạch kế hoạch hiện hành để thiết lập cơ chế và khởi động chương trình. UBND TP Cần Thơ đã tố chức nhiều buổi thảo luận, lấy ý kiến của người dân về tương lai TP. Chỉ sau 3 tháng khởi động từ tháng 3 đến tháng 6/2006, Cần Thơ đã thống nhất lựa chọn 6 chủ đề phát triển theo thứ tự ưu tiên gồm: Phát triển kinh tế; Phát triển cơ sở hạ tầng đô thị và quản lý môi trường; Giảm nghèo; Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển nguồn tài chính; Chính quyền và thể chế đô thị. Kết quả, sau gần 1 năm thực hiện CDS, chính quyền các cấp ở Cần Thơ đã có những bước thay đổi đáng kể. “CDS đã tạo ra một tầm nhìn cho TP, sở hữu bởi TP, xác định các hành động ưu tiên, xác định được vai trò của các bên liên quan trong việc tập trung xoá đói giảm nghèo và cải thiện môi trường, kêu gọi đầu tư…” - ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ khẳng định.

Thành công bước đầu của Cần Thơ cũng là những gì mà Đồng Hới Quảng Bình, Hạ Long Quảng Ninh, Nam Định, Phủ Lý Hà Nam, Hải Phòng… những đô thị đang thử nghiệm CDS nhận được. Vấn đề là sau những thử nghiệm này, làm sao để CDS có thể được áp dụng rộng rãi trong các đô thị. Nói như ông Nguyễn Văn Tuấn Chủ tịch UBND TP Hạ Long Quảng Ninh thì: “Sau khi hoàn thành thử nghiệm CDS, cần phải đưa những kinh nghiệm này từ lý thuyết vào thực tế. Cần tổ chức giới thiệu, chuyển giao để từ cán bộ chính quyền các cấp đến người dân tiếp cận và tham gia vào chiến lược phát triển giúp CDS có sức lan toả vào thực tế mỗi đô thị”.

Một công cụ hữu hiệu trong tương lai

Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ThS.KTS Ngô Trung Hải, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn Bộ Xây dựng cho rằng, CDS là phương pháp tiếp cận hết sức phù hợp của các đô thị nước ta với tiến trình hội nhập. CDS là cầu nối phối kết giữa các quy hoạch quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch giao thông, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội… để chọn ra hướng ưu tiên trong quá trình phát triển mỗi thành phố. “Đây là phương pháp tiếp cận rất hợp với các đô thị nghèo, đô thị đang phát triển hoặc những khu vực còn nghèo tại các TP lớn. CDS đã thành công ở nhiều nước đang phát triển, tôi cho rằng đây là công cụ hữu hiệu với các cấp chính quyền trong quá trình đô thị hoá ở nước ta trong tương lai” - ông Ngô Trung Hải nói. Còn giáo sư Michael Paddon, cố vấn trưởng chương trình phát triển hạ tầng của WB tại Việt Nam khẳng định: “Tôi cho rằng, thông qua những kinh nghiệm của các thành phố đã thí điểm CDS, lãnh đạo các đô thị sẽ biết tự quyết định mình sẽ làm những việc gì trong thẩm quyền để vạch ra những kế hoạch cụ thể, khả quan cho tương lai đô thị mình quản lý”.

Tại hội thảo, đã có nhiều quan điểm trái ngược về CDS như: “Liệu CDS có phải là quy hoạch của mọi quy hoạch?”, “Liệu CDS có phải là cái gì đó thần kỳ để thay đổi tình trạng phát triển tự phát ở các đô thị?”… Trả lời những thắc mắc này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, nếu cứ để CDS là “chiến lược phát triển thành phố” thì chỉ là cách nêu vấn đề một cách chung chung. Theo Bộ trưởng, nếu thêm phần cụ thể là TP nào vào sau ví dụ chiến lược phát triển TP Hạ Long thì đó là một vấn đề cụ thể và đây được coi là công cụ cho người quản lý giúp họ biết được mình cần phải làm những gì từ cách xây dựng CDS như trên. “Trên cơ sở rà soát các chiến lược, các quy hoạch và trên cơ sở phân tích các quy hoạch, chiến lược đó người lãnh đạo mỗi đô thị xác định được tầm nhìn mục tiêu phát triển, xác định được lĩnh vực ưu tiên để phát triển cho đô thị của mình. Người đứng đầu đô thị phải phân công trách nhiệm của các cơ quan, các ngành, các cấp, các bộ phận phải có trách nhiệm như thế nào cho mục tiêu phát triển đó. Từ đó đề ra các chương trình trong tất cả các lĩnh vực cụ thể. Kế hoạch ưu tiên cụ thể trong tất cả các lĩnh vực cho các đô thị và đây cũng là sự nghiệp của cả cộng đồng” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân khẳng định.

Nguồn tin: Báo Xây dựng, số 43, ngày 29/5/2007

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)