Hội nghị kiểm điểm công tác sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển và đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước

Thứ năm, 18/05/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 12/5/2006, tại Hà Nội, Đồng chí Nguyễn Hồng Quân, Uỷ viên Trung Ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chủ trì Hội nghị kiểm điểm công tác sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển và đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước của Bộ Xây dựng. Các đại biểu dự Hội nghị bao gồm đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng, Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Kế toán trưởng các Tổng Công ty, công ty trực thuộc Bộ.
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.4082.569' />
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.4082.569' />

Mục tiêu của Hội nghị nhằm đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của các doanh nghiệp trực thuộc Bộ năm 2005 và 4 tháng đầu năm 2006; thảo luận các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình sắp xếp lại, chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của các Vụ chức năng, hầu hết các Tổng công ty lớn của Bộ năm 2005 đều đạt kế hoạch giá trị sản xuất kinh doanh, có lợi nhuận. Tuy nhiên, có nhiều tổng công ty còn có các doanh nghiệp thành viên bị lỗ lũy kế trong một vài năm liền. 4 tháng đầu năm 2006, một số Tổng công ty không hoàn thành kế hoạch đề ra về giá trị sản xuất kinh doanh. Hầu hết các dự án đầu tư nhóm A đều chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng chậm, khó khăn về vốn, nhân lực. Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và khu đô thị gặp nhiều khó khăn. Công tác đổi mới sắp xếp doanh nghiệp, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ, nhìn chung đảm bảo kế hoạch. Hầu hết các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều có mức tăng trưởng cao hơn so với trước, tuy nhiên cũng có một số đơn vị gặp khó khăn, thua lỗ. Một trong những khó khăn của các doanh nghiệp này sau cổ phần hóa là có số vốn điều lệ thấp dẫn đến việc vay vốn sản xuất gặp khó khăn. Tình trạng kiêm nhiệm chức vụ quản lý trong các công ty cổ phần đã giảm nhiều nhưng vẫn còn tồn tại, cần phải xử lý dứt điểm trong năm 2006.

Hội nghị đã nghe các báo cáo tham luận, phát biểu của lãnh đạo các doanh nghiệp, chủ yếu đi sâu phân tích những yếu tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.

Trong 6 tháng cuối năm 2005 và những tháng đầu năm 2006, giá cả vật tư đầu vào, đặc biệt là nhiên liệu, liên tục tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và chiếm dụng vốn lẫn nhau còn phổ biến. Sự trầm lắng của thị trường bất động sản cũng là yếu tố bất lợi đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng.

Các doanh nghiệp đã kiến nghị một số vấn đề như tính toán yếu tố lạm phát và trượt giá trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng, vấn đề chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán, điều chỉnh khung giá đất và các phương án đền bù giải phóng mặt bằng, giải quyết tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đã khẳng định, Lãnh đạo Bộ rất quan tâm và cùng với các doanh nghiệp thuộc Bộ bàn bạc những biện pháp giải quyết vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Bộ trưởng đã đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo các doanh nghiệp trong những năm qua, đồng thời cũng lưu ý các lãnh đạo doanh nghiệp phải nắm thật sát tình hình thực tiễn của đơn vị để kịp thời đưa ra các biện pháp quản lý.

Lãnh đạo Bộ yêu cầu các doanh nghiệp phải kiên quyết đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả, không chạy theo doanh số. Để đạt được mục tiêu hiệu quả, các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc xử lý công nợ, nợ đọng, tồn kho, đảm bảo lành mạnh tài chính, xử lý những lợi thế về bất động sản mà đơn vị mình hiện có; Tổ chức hạch toán chi phí, giá thành, triệt để tiết kiệm, củng cố nhân sự về kế toán, quản trị doanh nghiệp, kinh doanh; Khuyến khích các doanh nghiệp tích cực đầu tư, nhưng đầu tư phải phù hợp với năng lực của mình, khi đầu tư sang các ngành nghề mới, sản phẩm mới thì phải xem xét đồng bộ với đầu tư chiều sâu đào tạo nguồn nhân lực.

Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ-công ty con, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ở các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Bộ cũng sẽ nghiên cứu và đưa ra các cơ chế chính sách tháo gỡ cho thị trường bất động sản./.


Bạch Minh Tuấn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)