Thành lập thanh tra chuyên ngành xây dựng ở các địa phương: Cấp thiết !
Những năm gần đây, cùng với sự đổi mới nhiều mặt về kinh tế - xã hội của đất nước, trong hoạt động của Thanh tra Nhà nước nói chung và Thanh tra chuyên ngành xây dựng nói riêng cũng có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực.
Gần đây sau khi Luật Xây dựng, Luật Thanh tra có hiệu lực thi hành thì hàng loạt các văn bản dưới luật được ban hành, trong đó có Nghị định số 46/NĐ - CP ngày 6/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức và hoạt động của thanh tra xây dựng; Thông tư Liên tịch số 10/2005/TTLT/BXD - BNV của Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Thanh tra xây dựng ở các địa phương.
Sau đó có Thông tư Liên tịch số 18/2005/TTLT/BXD - TTCP ngày 4/11/2005 hướng dẫn nội dung về Thanh tra xây dựng và Quyết định số 36/2005/QĐ - BXD ngày 24/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy định về tiêu chuẩn thanh tra viên, cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan thanh tra xây dựng; trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, phương tiện, thiết bị kỹ thuật của thanh tra xây dựng.
Đây là những cơ sở pháp lý để các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương làm căn cứ để tổ chức thực hiện và đây cũng là chỗ dựa vững chắc để ngành Thanh tra Nhà nước nói chung và Thanh tra chuyên ngành xây dựng nói riêng tăng cường đôn đốc, kiểm tra nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính. Yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân đang tham gia hoạt động xây dựng phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trên lĩnh vực này.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay các quy định của Chính phủ và chỉ thị của UBND tỉnh, thành được triển khai xuống tận cơ sở để tổ chức thực hiện còn rất hạn chế.
Mặt khác, ở một số tỉnh, thành với điều kiện hiện nay, cơ sở kỹ thuật hạ tầng hết sức thiếu thốn và non kém đang rất cần được đầu tư cải tạo, mở rộng và nâng cấp thì hoạt động về xây dựng đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, tổ chức thi công, vật liệu xây dựng... cũng đang diễn ra hết sức sôi nổi và phức tạp. Mọi tổ chức cá nhân đều có quyền đăng ký kinh doanh, hoạt động xây dựng, điều đó pháp luật không ngăn cấm, nhưng việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý ĐTXD, về quy hoạch xây dựng, về thi công xây dựng, hành nghề xây dựng... đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại các địa phương lại là vấn đề nhức nhối, phức tạp mà khâu kiểm tra, thanh tra trong hoạt động xây dựng rất cần được quan tâm.
Thực tế hiện nay có bao nhiêu đơn vị, tổ chức, cá nhân đang tham gia hoạt động xây dựng làm đúng các quy định của Chính phủ và chính quyền địa phương về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành.
Thực trạng các BQLDA thiếu năng lực quản lý, điều hành, các đơn vị thi công thiếu con người và phương tiện, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát trình độ yếu kém, ít kinh nghiệm thực tiễn... Hiện tượng vừa đá bóng, vừa thổi còi, giàn xếp thầu, vây thầu... đang diễn ra ở một số đơn vị quản lý xây dựng là có thực. Đây chính là nguyên nhân cơ bản làm cho chất lượng công trình yếu kém, xuống cấp nhanh, giá thành sản phẩm và xây lắp cao gần gấp đôi, gấp rưỡi so với sản phẩm tư nhân tự điều hành quản lý, gây thất thoát, lãng phí lớn trong các công trình có vốn Nhà nước là một thực tế đau lòng, mà chỉ có Thanh tra chuyên ngành xây dựng với một lực lượng đủ mạnh về biên chế số lượng, được trang bị đầy đủ các cơ sở vật chất kỹ thuật, trang phục, kinh phí hoạt động và sự quan tâm chỉ đạo đúng mức của Chủ tịch UBND tỉnh, thành và giám đốc Sở Xây dựng các địa phương thì mới có khả năng làm tốt 13 nội dung về thanh tra trong chuyên ngành xây dựng như Điều 17 Chương IV và 9 nhiệm vụ quyền hạn của Thanh tra xây dựng ở Điều 12 của nội dung Nghị định 46/NĐ - CP của Chính phủ.
Thiết nghĩ muốn quản lý chất lượng công trình theo tinh thần Nghị định số 209/2004/NĐ - CP ngày 16/12/2004; quản lý quy hoạch theo Nghị định số 08/2005/NĐ - CP ngày 24/1/2005; quản lý dự án ĐTXD công trình theo Nghị định số 16/2005/ NĐ - CP ngày 7/2/2005 của Chính phủ và nhiều văn bản khác đã ban hành thì nhất thiết phải có Tổ chức Thanh tra xây dựng chuyên ngành, được thành lập theo đúng tinh thần nội dung Nghị định 46/2005/NĐ - CP của Chính phủ. Để qua đó Thanh tra xây dựng chuyên ngành phối, kết hợp với các phòng ban chức năng thuộc Sở Xây dựng nói riêng và các ban, ngành liên quan trong tỉnh nói chung đủ tư cách tiếp cận, kiểm tra, thanh tra hoạt động xây dựng thường xuyên cũng như đột xuất theo quy định của pháp luật. Có như thế, ngành Xây dựng ở các địa phương mới làm tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng, vật liệu xây dựng, kiến trúc quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn và hạ tầng kỹ thuật về đô thị theo đúng quy hoạch của pháp luật.
Sau đúng một năm, Nghị định số 46/2005/NĐ-CP ngày 6/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành. Trước tình hình ở một số địa phương, ngành Xây dựng chưa có kế hoạch lập đề án, làm tham mưu đề xuất UBND cấp tỉnh, thành, thành lập và xây dựng lực lượng Thanh tra chuyên ngành xây dựng để đi vào hoạt động là một khiếm khuyết lớn cần được nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm cho khắc phục ngay trước yêu cầu hiện nay. Để thực hiện tốt cơ chế kiểm tra, thanh tra giám sát như nội dung Văn kiện Đại hội X của Đảng.v
--------------------
* Thanh tra xây dựng
Bộ Xây dựng
Nguồn tin: Báo Xây dựng số 38, ngày 11/5/2006