Nhà máy Xi măng Sông Gianh đi vào sản xuất
Thứ hai, 22/05/2006 00:00
3 tháng sau ngày đốt lò 19/2/2006 để cho ra đời mẻ xi măng đầu tiên mang nhãn hiệu COSEVCO Sông Gianh, ngày 19/5 này, Nhà máy Xi măng Sông Gianh chính thức khánh thành. Vậy là, sau hơn ngàn ngày có lẻ, trên mảnh đất miền Trung đầy nắng gió một nhà máy xi măng lò quay hiện đại đã sừng sững in lên núi đá vùng Tiến Hoá, đưa tiềm năng về VLXD của vùng đất này trở thành hiện thực.
Nhà máy Xi măng Sông Gianh có công suất 1,4 triệu tấn xi măng/năm là công trình thuộc dự án nhóm A đầu tiên được Chính phủ giao cho một TCty 90 TCty Xây dựng Miền Trung làm chủ đầu tư và cũng là lần đầu tiên cho phép tổ chức tư vấn giám sát trong nước thực hiện. Đồng thời, tại công trình này, lần đầu tiên tổ chức tư vấn thiết kế Việt Nam đảm nhận 100% thiết kế xây dựng, là nhà máy có phần thiết bị chế tạo trong nước lớn nhất trong các nhà máy xi măng xây dựng từ trước tới nay. Đây cũng là dự án xi măng đầu tiên được sử dụng 100% nguồn vốn trong nước. Nhà máy Xi măng Sông Gianh với công nghệ lò quay phương pháp khô có công suất 4.000 tấn clinker/ngày, tương đương với 1,4 triệu tấn xi măng/năm, công nghệ thiết bị đồng bộ của Cộng hoà Liên bang Đức do tập đoàn cung cấp thiết bị xi măng hàng đầu thế giới POLYSIUSAG cung cấp. Nhà máy được xây dựng ngay trên vùng nguyên liệu dồi dào, có chất lượng tốt là mỏ đá vôi Tiến Hoá có trữ lượng 146 triệu tấn, đủ cung cấp cho nhà máy sản xuất trên 80 năm.
Nhìn lại quãng thời gian hơn nghìn ngày kể từ ngày đặt mũi khoan đầu tiên 5/7/2003 để thực hiện xử lý nền móng công trình, đến nay, những người xây dựng của TCty Xây dựng Miền Trung, cùng các nhà thầu tham gia xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Gianh đã phải vật lộn trên mảnh đất Quảng Bình đầy nắng gió, khắc nghiệt. Khó có thể nói hết được những gian khó mà các lực lượng tham gia xây dựng công trình này đã phải trải qua. Mới ngày nào, mảnh đất này còn hoang vu, đá cát cùng lau sậy, vậy mà nay một nhà máy hiện đại đã hiện hữu với hạ tầng khang trang, bảo đảm vận chuyển thông suốt sản phẩm tới mọi miền. Bao gian khó, nhọc nhằn, thời tiết mưa gió bão lụt khắc nghiệt kéo dài, rồi đến những ngày nắng như đổ lửa trên công trường... Nhưng vượt lên những khó khăn, chủ đầu tư và các nhà thầu đã nỗ lực hết mình khắc phục khó khăn, chấp hành đầy đủ quy chế quản lý đầu tư, quy chế đấu thầu, tổ chức điều hành giám sát trong thi công xây lắp chặt chẽ, tổ chức tiếp nhận và bảo quản thiết bị nhập khẩu đầy đủ, an toàn…
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Gianh giai đoạn I đã chính thức hoàn thành và đi vào sản xuất. Trên cơ sở dây chuyền một, được biết, TCty Xây dựng Miền Trung đang chuẩn bị cho đầu tư dây chuyền hai với công suất 2,3 triệu tấn/năm. Nếu cả dây chuyền hai được xây dựng, vùng nguyên liệu này sẽ cung cấp đủ cho toàn bộ hai dây chuyền trên 30 năm hoạt động.
Khó có thể nói hết niềm vui của những người xây dựng miền Trung trước ngày khánh thành nhà máy. Một chặng đường gian khó đã qua. Trên gương mặt đẫm mồ hôi của những người thợ xây dựng hôm nay, ta bắt gặp nụ cười rạng rỡ. Ấy là niềm vui sau những thành quả mà họ đã tạo dựng. Ta cũng bắt gặp niềm vui của ngàn vạn đồng bào vùng đất Tiến Hoá Quảng Bình bởi khi những mẻ xi măng nối tiếp ra đời sẽ đánh thức một vùng tài nguyên giàu có để đem về cho đất Quảng Bình những triệu triệu đô la, tạo dựng cho vùng đất này một sinh khí mới trong tiến trình CNH,HĐH; làm bật dậy những tiềm năng còn chưa được khai mở.
Nguồn tin: Báo Xây dựng số 39, ngày 16/5/2006