Nghiệm thu Dự án Sự nghiệp Kinh tế SNKT Điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng xử lý nước thải công nghiệp sản xuất gốm sứ ở các tỉnh phía Nam. Đề xuất các giải pháp quản lý hoạt động xử lý nước thải trong công nghệ sản xuất gốm sứ
Ngày 13/3/2006, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng Khoa học kỹ thuật chuyên ngành của Bộ Xây dựng đã tiến hành nghiệm thu Dự án SNKT: Điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng xử lý nước thảicông nghiệp sản xuất gốm sứ ở các tỉnh phía Nam. Đề xuất các giải pháp quản lý hoạt động xử lý nước thải trong công nghệ sản xuất gốm sứ do Trường Công nhân Kỹ thuật Xây dựng và Vật liệu Xây dựng thuộc Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng – Bộ Xây dựng FICO thực hiện từ tháng 3 năm 2005.
GS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Nội dung của Dự án bao gồm:
- Khảo sát thực trạng nước thải, khả năng xử lý của các nhà máy sản xuất gốm sứ xây dựng ở khu vực phía Nam do Bộ Xây dựng quản lý; Phân tích toàn diện về khoáng, hóa, sinh học các mẫu nước thải để đánh giá chất lượng nước thải; Thí nghiệm trong phòng thí nghiệm, xác định các thông số liên quan đến xử lý nước thải và đề xuất công nghệ xử lý; Phân tích, đánh giá chất thải rắn tận thu và phương hướng tái sử dụng để sản xuất; Đề xuất kiến nghị các giải pháp quản lý để bảo vệ môi trường chung đối với toàn ngành.
Thông qua các biện pháp lập phiếu điều tra, thí nghiệm trên mẫu, dự án đã điều tra, khảo sát năng lực và thực trạng sản xuất, thực trạng các hệ thống xử lý nước thải tại các 7 cơ sở sản xuất sứ vệ sinh, gạch ốp lát ceramic, gạch ốp lát granit nhân tạo của các Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng như TCty FICO, VIGLACERA, COSEVCO. Kết quả điều tra đã cho thấy, hầu hết các nhà máy đều bố trí mạng lưới thu gom nước thải, nhất là các nhà máy nhận chuyển giao công nghệ sản xuất của các hãng SACMI –CITI của Italia, tuy nhiên các hệ thống này còn tồn tại một số nhược điểm là nước thải thu gom chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, việc tận thu nguồn nước thải ít được quan tâm, thường sử dụng bể lắng cặn cơ học, không có chất trợ lắng, chưa thu hồi và tái sử dụng bã thải rắn. Chất lượng nước thải của các nhà máy sản xuất gốm sứ nhìn chung chứa ít chất độc hại như kim loại nặng, chì, thủy ngân. Trong nước thải chủ yếu có chứa các ô-xit vô cơ, chất ô nhiễm chính trong nước thải là cặn lơ lửng ở mức độ cao hơn hàng chục lần so với tiêu chuẩn cho phép.
Những kết quả thu được của dự án sẽ giúp cho các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ xây dựng nhận thức được rõ hơn tính cấp thiết phải chú trọng đến công tác xử lý môi trường trong sản xuất để đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Dự án đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua với kết quả xếp loại khá./.
Bạch Minh Tuấn