Một góc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội - Ảnh: VGP/Gia Huy
Vận hành các hệ thống thông tin - tiền đề hình thành chính quyền số
Từ đầu nhiệm kỳ 20021-2026 đến nay, HĐND TP. Hà Nội đã thực hiện nhiều nội dung chất vấn ở nhiều lĩnh vực, trong đó có nội dung về công tác cải cách hành chính, việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số.
Triển khai kết luận về các phiên chất vấn về thực hiện công tác cải cách hành chính, việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, UBND TP. Hà Nội cho biết đã chỉ đạo các Sở, ngành của Thành phố tập trung rà soát, khẩn trương khắc phục.
Qua đó, kết quả thực hiện các nội dung về cải cách hành chính như: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số...) đã có chuyển biến tích cực, rõ nét, được Trung ương và người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Một số kết quả điển hình Thành phố đã thực hiện là đưa vào vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, cốt lõi: Hệ thống thông tin báo cáo thành phố; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố; Kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; Ứng dụng quản lý cuộc họp tại UBND thành phố.
Đây được coi là tiền đề hình thành chính quyền số trong lộ trình thực hiện chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử của thành phố.
Cả 4 hệ thống này đã hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố đến các cấp chính quyền Thành phố được đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả bảo đảm nhanh chóng, kịp thời dựa trên dữ liệu số, qua đó thúc đẩy cải cách hành chính, chuyển đổi số của Thành phố phát triển nhanh và bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, chủ trương quy định không thu phí, lệ phí đối với cá nhân, tổ chức khi nộp hồ sơ TTHC trực tuyến trên môi trường mạng đến hết ngày 31/12/2025 đã khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Thành phố...
Tháng 6/2024, Hà Nội công bố vận hành các nền tảng, ứng dụng thực hiện Đề án 06 của thành phố gồm: Nền tảng Công dân số (iHanoi); nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội (EHR - Electric Health Record), Sổ sức khỏe điện tử (PHR - Personal Health Record), nền tảng Phòng họp không giấy tờ (eCabinet).
Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chỉ rõ những kết quả đạt được của TP. Hà Nội trong triển khai Đề án 06 thời gian qua, trong đó có công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được Thành ủy, UBND, các sở, ban, ngành của TP. Hà Nội triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tạo ra sự chuyển biến tích cực.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu TP. Hà Nội phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả". Chỉ đạo điều hành và tổ chức triển khai đồng bộ, linh hoạt, khoa học, bài bản, đồng bộ, bao trùm, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Hà Nội cần đẩy mạnh hoàn thiện các cơ chế chính sách, chú trọng nghiên cứu, đề xuất, thí điểm các mô hình mới, hiệu quả trong triển khai Đề án 06 trên địa bàn Thành phố, phù hợp với đặc thù, yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển.
Nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền
Theo UBND TP. Hà Nội, các nhiệm vụ về CCHC, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số nhưng kết quả thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Cổng dịch vụ công Thành phố và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của Thành phố còn nhiều lỗi phần mềm, gây khó khăn cho các đơn vị trong thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC; việc thực hiện số hóa tại Bộ phận Một cửa các sở, ngành và Bộ phận Một cửa của UBND cấp huyện đang bị chậm so với lộ trình đề ra.
Nguồn kinh phí từ ngân sách Thành phố đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu...
Tính đến tháng 6/2024, công tác triển khai Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tỉ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng còn thấp (tỉ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử là 12,39%, so với mức cả nước là 64,38%); còn một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức. Tỉ lệ số hóa hồ sơ, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn thấp (11,48%, so với mức cả nước là 58,57%).
Cùng với đó, tỉ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa chưa cao (21,81%). Hạ tầng số chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn nhiều hạn chế, bất cập. Công tác bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều cơ quan chưa được quan tâm đúng mức.
Theo UBND TP. Hà Nội, năm 2024, UBND Thành phố đang chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền như: Thực hiện rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố; các đơn vị đề xuất những vấn đề mới, đột phá để triển khai Luật Thủ đô nhằm khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển Thủ đô gắn với triển khai Nghị quyết về phân cấp kinh tế - xã hội của HĐND Thành phố.
Hà Nội hiện tiếp tục triển khai Đề án 06 của Chính phủ gắn với số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội; Tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó tập trung theo dõi, đánh giá các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021-2025 và năm 2024, trong đó chú trọng nâng cao bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác cải cách hành chính, các nội dung cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI, SIPAS, PARINDEX, PCI…
Tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hiện đại các cấp trên địa bàn Thành phố; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của các cơ quan hành chính Thành phố.
Bên cạnh đó, hoàn thiện và nâng cấp chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch và giải quyết TTHC, tích hợp đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.