Thời gian qua, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) vào tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) ở mức độ cao luôn được UBND tỉnh Tuyên Quang xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số.
Trung tâm hành chính công tỉnh Tuyên Quang, nơi tiếp nhận, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giải quyết các TTHC (Ảnh: Thanh Phúc)
Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang cung cấp 1.941 dịch vụ hành chính công trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Tuyên Quang phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dịch vụ công mức độ 3: 282 dịch vụ, đạt 15%; dịch vụ công mức độ 4: 1.054 dịch vụ, đạt 56%. Tính đến ngày 30/9/2023, trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh cho thấy, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến của các DVC trực tuyến toàn trình và một phần 71.725/170.531 hồ sơ, đạt 42.06% (tăng 18.2% so với 6 tháng đầu năm 2023).
Xác định rõ ứng dụng DVCTT được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình CCHC và triển khai chính phủ điện tử, tỉnh Tuyên Quang đã chủ động trong việc thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện DVCTT. Các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã không ngừng nâng cấp hệ thống DVC cũng như chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn đã tìm cách cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận Một cửa các cấp theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Nhiều cơ quan đã thực hiện hình thức như không tiếp nhận một số hồ sơ TTHC, một số ngày bằng bản giấy để phấn đấu 100% người dân, tổ chức lựa chọn và thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến đối với các TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, tiêu biểu như Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Song song với đó, tỉnh đã đẩy mạnh việc hoàn thiện các phần mềm dịch vụ công với nhiều chức năng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các tổ chức, cá nhân. Qua đó, số lượng hồ sơ DVCTT trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.
Được đánh giá là một trong những địa phương triển khai hiệu quả DVCTT, đến nay, UBND huyện Hàm Yên đã cung cấp 172 TTHC áp dụng DVC mức độ 3 và 28 dịch vụ công mức độ 4; tăng cường áp dụng, triển khai các sáng kiến, giải pháp mới trong công tác CCHC; chỉ đạo các tổ công nghệ số cộng đồng tích cực hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử. Đồng thời, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của người đứng đầu trong CCHC; tăng cường tính chủ động, trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp các cơ quan, đơn vị, tránh đùn đẩy khi trả lời cơ quan cấp dưới và người dân, phải trả lời đúng thời gian, đúng quy định, đúng thủ tục. Việc đẩy mạnh CCHC của huyện đang theo hướng đồng bộ, tập trung và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nổi cộm, nhạy cảm. Theo báo cáo, huyện Hàm Yên đạt tỷ lệ 80% hồ sơ tiếp nhận trực tuyến.
Xác định vai trò của việc chuyển đổi số trong thực hiện CCHC, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình đã thực hiện việc niêm yết, tra cứu TTHC bằng mã QR và nhận được những phản hồi tích cực từ người dân.
Việc niêm yết bằng mã QR có chức năng hỗ trợ cho cá nhân, tổ chức tra cứu thông tin và thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến bên cạnh việc niêm yết TTHC bằng bảng niêm yết truyền thống tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã.
Việc niêm yết, tra cứu TTHC bằng mã QR nhận được những phản hồi tích cực từ người dân xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Ảnh: Thu Trang)
Các mã QR không chỉ được niêm yết tại UBND xã mà còn được niêm yết tại 13/13 nhà văn hóa thôn để thuận tiện cho người dân khi có nhu cầu tra cứu thông tin. Với cách làm tương đối đơn giản, người dân chỉ cần dùng Smartphone sử dụng ứng dụng camera trên điện thoại, ứng dụng Zalo hoặc một ứng dụng quét mã QR-Code bất kỳ để quét QR, sau đó nhấn link truy cập thông tin TTHC để tìm hiểu và nộp hồ sơ trực tuyến, tiện lợi hơn nhiều so với phương thức tra cứu thông tin trên bảng niêm yết bằng giấy truyền thống.
Theo đánh giá, việc sử dụng mã QR trong thực hiện kê khai các TTHC thực sự tạo sự chuyển biến trong CCHC. Giải pháp này có tính thực tiễn cao có thể được nhân rộng, thực hiện lâu dài mang lại sự tiện dụng, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC. Các mã QR TTHC có thể được đưa lên trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, đưa lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,… để người dân dễ dàng tiếp cận hơn. Qua đó tạo sự hài lòng của người dân đối với công tác cải cách hành chính của địa phương.
Có thể thấy, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính trong chuyển đổi số đã giúp giảm chi phí, tạo sự hài lòng cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại và thân thiện.
Nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 48 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, để tiếp tục nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, đôn đốc Tổ công nghệ số cộng đồng tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” để tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia sử dụng các nền tảng xã hội số; hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng nền tảng số để người dân hiểu và biết cách sử dụng khi tham gia các hoạt động trên môi trường số…/.