Thu hút 97 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD, Khu công nghiệp Đại An (tỉnh Hải Dương) là một trong những điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư. (Ảnh: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Hải Dương)
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho biết trong thời gian tới, để thu hút đầu tư nói chung và đặc biệt là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Hải Dương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và tập trung cải cách thủ tục hành chính.
Hải Dương sẽ công bố công khai các quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế, chính sách, quy định của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn; trong đó, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, giá trị tăng cao, kết nối chuỗi giá trị, thân thiện môi trường tạo động lực phát triển ngành lĩnh vực đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Đồng thời, Hải Dương đẩy mạnh cải cách hành chính trong cơ chế phối hợp giám sát và kiểm tra hoạt động đầu tư, trách nhiệm công vụ của cán bộ công chức trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, xuất nhập khẩu, lao động, môi trường…, nhằm loại bỏ phiền hà tạo điều kiện thời gian nhanh nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Hải Dương xây dựng quy chế phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm tạo sự thống nhất, thuận tiện, nhanh gọn khi giải quyết thủ tục; tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đang thực hiện.
Thời gian tới, Hải Dương tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp các thông tin về thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, thông tin về lao động và các dịch vụ hỗ trợ việc làm; hỗ trợ kinh phí đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; hỗ trợ tư vấn các vấn đề pháp lý và hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực như thuê đất, giải phóng mặt bằng, xuất nhập khẩu, hải quan.
Cùng với đó, Hải Dương cũng tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư. Hải Dương tiếp tục liên kết với các trung tâm xúc tiến đầu tư trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hiệp hội, tổ chức quốc gia và quốc tế có uy tín lớn trong và ngoài nước, Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước, các tổ chức xúc tiến đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam để tổ chức, xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư ở nước ngoài và tại Việt Nam.
Ngay trong tháng 9 và tháng 10/2023, Hải Dương đã tổ chức 2 đoàn công tác do các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành đi xúc tiến đầu tư ở Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Bỉ... nhằm kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, công nghệ cao.
Sơ chế, đóng gói càrốt để xuất khẩu tại Hải Dương. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)
Hải Dương cũng tập trung thực hiện quy hoạch vùng công nghiệp động lực, phát triển các Khu công nghiệp chuyên biệt công nghệ cao, dịch vụ và sinh thái, tạo thành vùng công nghiệp trọng điểm Đồng bằng sông Hồng để thu hút các dự án đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Tỉnh huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các Khu công nghiệp Đại An mở rộng, Tân Trường mở rộng, Phúc Điền mở rộng, Kim Thành, Gia Lộc và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư…
Trong thời gian tới, Hải Dương cũng tăng cường quản lý, giám sát đầu tư; cơ cấu lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh theo nguyên tắc gắn quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo với nhu cầu của các doanh nghiệp.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng năm 2023, Hải Dương đã thu hút được gần 400 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Các dự án đầu tư vào Hải Dương chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Hải Dương thì Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ nhất có 15 dự án với tổng vốn 113,6 triệu USD; Trung Quốc đứng thứ hai có 17 dự án, vốn 57,6 triệu USD; đứng thứ ba là Nhật Bản với 3 dự án, vốn đầu tư 32,8 triệu USD.../.