Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính ở Kiên Giang

Thứ ba, 10/10/2023 16:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Sáng 9/10, tại TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), Sở Nội vụ Kiên Giang tổ chức lớp tập huấn "Cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng kết quả Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh".

Các đại biểu tham dự lớp tập huấn - Ảnh: VGP/LS

Học viên là Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp huyện, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND huyện và các chức danh được quy hoạch; ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh, thành viên tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang Nguyễn Hoàng Thông cho biết: Lớp tập huấn lần này nhằm trang bị cho đội ngũ công chức làm công tác CCHC có đủ kiến thức, trình độ, năng lực, kỹ năng giao tiếp ứng xử và đạo đức công vụ đáp ứng yêu cầu tham mưu thực hiện công tác CCHC của từng cơ quan, đơn vị, địa phương góp phần hoàn thành nhiệm vụ CCHC chung của tỉnh. Đồng thời, các đại biểu cũng trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và bài học kinh nghiệm về công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Báo cáo tại lớp tập huấn, ông Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) cho rằng, công tác CCHC của tỉnh Kiên Giang thời gian qua có nhiều kết quả nổi bật.

Năm 2022, Chỉ số CCHC của tỉnh Kiên Giang đạt 84,31%, xếp hạng 41/63 tỉnh, thành phố, tăng 22 bậc so với năm 2021. Trong đó, một số nội dung cải cách được ghi nhận và đánh giá cao như: Cải cách tổ chức bộ máy, xếp hạng 1/63; cải cách thể chế, xếp hạng 5/63 tỉnh, thành phố. Chỉ hài hài lòng của người về sự phục vụ hành chính Nhà nước đạt 81,10%, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 34 bậc so với năm 2021. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đạt 62,24 điểm, xếp hạng 56/63, tăng 4 bậc so với năm 2021.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong công tác CCHC của địa phương, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và dành nhiều nguồn lực cho công tác này. Quá trình thực hiện đã đánh giá tác động, khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức các diễn đàn để trao đổi, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn.

Đặc biệt, thể chế được thường xuyên rà soát, kiểm tra; chất lượng văn bản quy phạm được nâng cao; nhiều rào cản về cơ chế, chính sách được tỉnh chủ động chỉ đạo tháo gỡ, xử lý, tạo điều kiện cho người dân sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường.

Về một số nội dung trọng tâm trong thời gian tới, ông Phạm Minh Hùng nhấn mạnh: Để CCHC hiệu quả, cần thực hiện 3 nội dung quan trọng là cải cách đúng, cải cách nhanh và cải cách bền vững. Cụ thể, cần bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối, định hướng của Đảng, Chính phủ, Tỉnh ủy; gắn kết chặt chẽ giữa CCHC với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phục vụ người dân và doanh nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị bởi đây là yếu tố then chốt, quyết định đến sự thành công của CCHC; đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung, cụ thể nhất là vai trò của Bí thư, Chủ tịch trong công tác này.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Phạm Minh Hùng trao đổi tại lớp tập huấn - Ảnh: VGP/LS

Đa dạng trong truyền thông chính sách thiết thực, hiệu quả, nhất là chính sách mới, đột phá; có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị. "CCHC không phải là việc của một người, một cơ quan mà có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của nhiều cơ quan trong từng nội dung cải cách, đạt được sự đồng thuận cao thì hiệu quả cải cách mới được nâng cao, thường xuyên tìm kiếm các ý tưởng và sáng kiến mới về CCHC, tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước", ông Phạm Minh Hùng khuyến nghị.

Về cải cách  thể chế, ông Phạm Minh Hùng cho rằng, cần tiếp tục rà soát, xác định các điểm nghẽn và kiến nghị thay đổi, trọng tâm là cải cách về đất đai, đầu tư công; thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển hạ tầng, an sinh xã hội; đồng thời nâng cao thể chế, chính sách mà cụ thể là nâng cao chất lượng công chức tham mưu về xây dựng văn bản QPPL, tránh cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, bảo đảm công khai, minh bạch và thu hút người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng và ban hành chính sách và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Đặc biệt, rà soát, kiến nghị và phát hiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết hoặc gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Muốn vậy, cần nâng cao hiệu quả của cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tăng cường số hóa hồ sơ, giấy tờ thủ tục hành chính; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ưu tiên các dịch vụ có hiệu quả.

Đối với cải cách thể chế, bộ máy, Kiên Giang cần tiếp tục rà soát, tinh gọn tổ chức với việc sắp xếp phải đáp ứng các tiêu chí của Chính phủ, kiện toàn về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan; thực hiện tinh giản biên chế…

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)