Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn: Bình Dương tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, không phát sinh thêm TTHC - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Ngày 6/7, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn đã chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương về công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tại đầu cầu tỉnh Bình Dương có sự tham dự của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa các quy định TTHC rườm rà, phức tạp
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác cải cách TTHC, bảo đảm thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành để đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Qua đó, đã đạt được kết quả bước đầu tích cực, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, hạn chế tham nhũng, tiêu cực, rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần tập trung xử lý, tháo gỡ kịp thời như: TTHC trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, nhất là TTHC trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước; việc giải quyết TTHC còn nhiều tầng nấc trung gian, gây chậm trễ, mất nhiều thời gian của doanh nghiệp, người dân; công tác chỉ đạo, điều hành nhiều nơi vẫn theo phương thức truyền thống; các hệ thống CNTT còn thiếu đồng bộ; việc kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng "cát cứ thông tin", dữ liệu chưa bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống"; nguồn lực cho việc triển khai còn gặp khó khăn…
Vì vậy, VPCP làm việc với các bộ, ngành địa phương, trong đó có UBND tỉnh Bình Dương nhằm trao đổi, đánh giá về kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai để tìm các giải phápxử lý, tháo gỡ, triển khai có hiệu quả trong thời gian tới nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngay từ năm 2021, 2022 và những tháng đầu năm 2023 đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp trong thực hiện cải cách TTHC, kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Năm 2021, 2022, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 75 Quyết định công bố TTHC. Trong 6 tháng đầu năm 2023 (tính đến ngày 30/6/2023) đã ban hành 12 Quyết định công bố TTHC. 100% TTHC sau khi Chủ tịch UBND tỉnh công bố đã được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC và công bố, công khai quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC.
Tỉnh Bình Dương cũng đã triển khai thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (trên cơ sở thí điểm Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Thủ Dầu Một năm 2018). 9/9 đơn vị cấp huyện đã thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công cấp huyện với việc đầu tư máy móc, thiết bị, khu vực làm việc phục vụ người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện TTHC. Bộ phận Một cửa cấp xã đang triển khai cải tạo, nâng cấp, đầu tư các trang thiết bị hiện đại.
Về tình hình, kết quả tiếp nhận, giải quyết TTHC, kết quả giải quyết hồ sơ đúng hạn qua các năm của các sở, ban, ngành tại Trung tâm Hành chính công tỉnh đạt từ 98% trở lên và không có hồ sơ quá hạn chưa giải quyết.
Tỉnh đã triển khai 23/25 dịch vụ công thiết yếu (Công an tỉnh đã triển khai 11/11 dịch vụ; các sở, ban, ngành đã triển khai 12/14 dịch vụ) và đang cung cấp 1.932 dịch vụ công trực tuyến của cấp tỉnh, huyện, xã, trong đó có 1.196 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và 148 dịch vụ công trực tuyên mức độ 3. Tính đến ngày 01/3/2023, số lượng tài khoản được tạo trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công tỉnh: 139.525 tài khoản.
Về kết quả triển khai rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ, đã tổ chức rà soát 2.930 TTHC trên 19 lĩnh vực tương ứng với thẩm quyền tham mưu của các Sở, ban, ngành có liên quan, với 331 TTHC được đề nghị phân cấp và 2599 TTHC không đề nghị phân cấp.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, không cần thiết; rà soát tinh giản thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết các TTHC thuộc các lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh, khởi nghiệp để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư; nâng cao tỷ lệ hồ sơ phát sinh dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh và cổng dịch vụ công Quốc gia, tiến tới triển khai không nhận hồ sơ giấy của 100% TTHC đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Nhấn mạnh Bình Dương quyết tâm thực hiện tốt bộ phận một cửa, cải cách TTHC, gắn với người dân, doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết đây là nội dung mà lãnh đạo tỉnh rất quan tâm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại như việc quy định về mô hình, cơ chế "đặc thù" của Trung tâm Hành chính công tỉnh chưa có hướng dẫn của Trung ương; việc chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa phần mềm một cửa điện tử với các phần mềm chuyên môn, chuyên ngành của các sở, ban, ngành và các bộ, ngành còn chưa được thực hiện toàn diện theo nhu cầu nên việc cập nhật dữ liệu còn thủ công, cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện thao tác song song trên các phần mềm dẫn đến mất nhiều thời gian trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ, ảnh hưởng đến kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh…
Bà Đỗ Thái Hà, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC đưa ra đánh giá về kết quả của Bình Dương - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Theo đánh giá của Cục Kiểm soát TTHC (VPCP), trong thời gian qua, công tác tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị được tỉnh Bình Dương quan tâm thực hiện, không có phản ánh xử lý quá hạn. Kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính cơ bản đều được đăng tải công khai trên Cổng thông tin của tỉnh; trên các phương tiện thông tin đại chúng và được người dân hài lòng về kết quả xử lý.
Tỉnh Bình Dương đã ứng dụng chữ ký số cá nhân trong gửi, nhận văn bản điện tử. Việc cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC có sự cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, trong tỷ lệ 81,89% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa thì có 80,12% là hồ sơ trực tuyến do đó số hồ sơ trực tiếp tiếp nhận tại Bộ phận một cửa được số hóa chỉ đạt khoảng 1,77% trên tổng số hồ sơ, tương ứng với Bộ phận một cửa mới chỉ thực hiện số hóa khoảng 19,88% trong tổng số hồ sơ (3.151.716 hồ sơ) tiếp nhận trực tiếp.
Lấy người dùng làm trung tâm, tránh hình thức, phong trào
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chúc mừng tỉnh Bình Dương trong năm 2022, đã đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), tăng hơn 2,7 điểm so với năm 2021; chỉ số mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Bình Dương (SIPAS) năm 2022 xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố tăng 18 bậc so với năm 2021.
Trong đó, mức độ hài lòng việc cung ứng dịch vụ hành chính công đứng thứ 3 cả nước; mức độ hài lòng đối với công chức đứng thứ 2 cả nước; mức độ hài lòng đối với tiếp cận dịch vụ đứng thứ 4 cả nước…Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Bình Dương trong 6 tháng năm 2023 tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2022; nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm.
"Kết quả này là sự đánh giá, ghi nhận từ người dân với sự cố gắng của hệ thống bộ máy chính quyền tỉnh Bình Dương trong việc giải quyết TTHC", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Trần Văn Sơn nói.
Trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh Bình Dương cần có nhiều giải pháp thiết thực, nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn để hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội ở mức cao nhất.
Đối với công tác kiểm soát TTHC, Bộ trưởng Trần Văn Sơn đề nghị tỉnh bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách TTHC, kiểm soát quy định TTHC; khẩn trương triển khai các nhiệm vụ về cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Đồng thời triển khai thực hiện đổi mới trong việc tiếp nhận và giải quyết TTHC, quan tâm, tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tập trung rà soát, tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo phương châm lấy người dùng làm trung tâm, tránh hình thức, phong trào, không thực chất, không hiệu quả…
Tỉnh Bình Dương cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06, và tháo gỡ các "điểm nghẽn" triển khai Đề án 06 về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công, dữ liệu và nguồn lực.
Bên cạnh đó, thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.
"Nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, không phát sinh thêm TTHC, gây phiền hà cho người dân doanh nghiệp trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC", Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh.
Do đó, tỉnh cũng cần định kỳ công khai danh sách cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức chậm muộn, nhũng nhiễu và thực hiện báo cáo giải trình của người đứng đầu, xin lỗi người dân khi để xảy ra chậm muộn, nhũng nhiễu trong giải quyết TTHC. Tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, kịp thời xử lý các khó khăn, bất cập cho người dân, doanh nghiệp; chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không xử lý hoặc kéo dài thời gian xử lý, hoặc né tránh trong quá trình giải quyết TTHC.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhấn mạnh Bình Dương quyết tâm thực hiện tốt bộ phận một cửa, cải cách TTHC, gắn với người dân, doanh nghiệp - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Ngoài ra, thực hiện nghiêm túc việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, ký số văn bản điện tử và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Rà soát, chuẩn hóa các chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý; kịp thời cung cấp, chia sẻ dữ liệu kinh tế - xã hội với Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, huy động và tạo đồng thuận xã hội tham gia vào quá trình cải cách và chuyển đổi số của tỉnh.
Để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, Bộ trưởng Trần Văn Sơn đề nghị tỉnh cần giao rõ nhiệm vụ, thời gian hoàn thành, sản phẩm, xem xét bổ sung, sắp xếp, bố trí, đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phân công cơ quan, đơn vị, người chủ trì, người phối hợp, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đồng thời tăng cường kiểm tra đôn đốc việc thực hiện….
Các kiến nghị, đề xuất sẽ được VPCP tổng hợp giao cho Cục Kiểm soát TTHC trình lãnh đạo VPCP, cũng như chuyển cho các bộ ngành để phối hợp xử lý, có phương án giải quyết.