"Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ công dân khi tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số trong việc thực hiện tương tác với chính quyền", Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định - Ảnh: VGP/GH
Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ trong phát biểu làm rõ cuối phiên chất vấn của HĐND TP. Hà Nội chiều 5/7.
Ông Trần Sỹ Thanh nhận định, nội dung chất vấn tại kỳ họp liên quan đến tái chất vấn về việc thực hiện một số vấn đề đã được HĐND, Thường trực HĐND quyết nghị, kết luận tại các phiên chất vấn, giải trình nhưng còn chưa hiệu quả và vhất vấn về công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số đã tập trung đúng và trúng những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm; phản ánh những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp.
Qua đó giúp UBND Thành phố, các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã nhận diện rõ hơn những hạn chế, bất cập, yếu kém, đồng thời là cơ sở để phân tích, đánh giá nguyên nhân và đề ra giải pháp tích cực, phù hợp trong tình hình mới.
Quyết tâm xử lý dứt điểm 293 dự án chậm tiến độ
Theo Chủ tịch TP. Hà Nội, qua rà soát từ năm 2011 đến nay, có 712 dự án chậm tiến độ, với diện tích hơn 5.000 ha. Đến nay, sau hơn 01 năm quyết liệt triển khai thực hiện, Thành phố đã rà soát và có phương án xử lý 419 dự án (trong đó đã có thông báo, quyết định thu hồi đất, chấm dứt, dừng thực hiện 118 dự án với diện tích khoảng 2.000ha).
Trong thời gian tới, Hà Nội quyết tâm xử lý dứt điểm 293 dự án còn lại trước ngày 31/12/2023. UBND Thành phố xác định công tác xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục
Chủ tịch TP. Hà Nội cho biết, đây là những việc khó, đã tồn tại từ nhiều năm trước, trong thời gian qua UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung giải quyết. Tuy nhiên, vẫn còn có một số dự án, nội dung công việc chưa đảm bảo tiến độ và yêu cầu, mong muốn của đại biểu HĐND Thành phố và cử tri Thủ đô.
Thời gian tới, UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành chuyên môn rà soát, phân loại, đánh giá kỹ những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, đồng thời xác định rõ cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm giải quyết và tiến độ xử lý xong.
Tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn đạt 99,81%
Cũng theo ông Trần Sỹ Thanh, trên tinh thần thực hiện nghiêm Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc và chỉ đạo của Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo về việc kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức Thành phố; nhất là việc lạm dụng lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan để né tránh trách nhiệm và kéo dài thời gian xử lý công việc.
Về công tác cải cách hành chính, từ năm 2021 đến quý I/2023, tổng số TTHC của Thành phố là 1.867 thủ tục. Các TTHC sau khi được công bố đều được hướng dẫn thực hiện công khai đầy đủ, minh bạch theo quy định; áp dụng nhiều biện pháp thực hiện tăng cường rà soát, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC. Tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn đạt 99,81%.
"Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ công dân khi tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số trong việc thực hiện tương tác với chính quyền", Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định.
Điều này còn được thể hiện ngay ở kỳ họp thứ 12 này, UBND Thành phố đã trình HĐND Thành phố thông qua Nghị quyết quy định mức thu phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Thành phố (mức thu không đồng).
Về nội dung chuyển đổi số trong các cơ quan Thành phố, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, kết quả triển khai chưa đạt được tương xứng với tiềm năng, nguồn lực của Thành phố. Công tác chuyển đổi số của thành phố trong 2 năm qua còn triển khai chậm, xếp hạng của Thành phố nằm ở nhóm địa phương cuối bảng xếp hạng.
Nhận thức được những hạn chế này, toàn bộ hệ thống chính trị của Thành phố đã vào cuộc, nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số và đã triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, theo lộ trình chung của Thành phố.
Kết quả bước đầu thực hiện chuyển đổi số được ghi nhận trong thời gian gần đây, đó là: Hà Nội là một trong các tỉnh/Thành phố đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với CSDL Dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết TTHC.
UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo để trong thời gian ngắn, các hệ thống dữ liệu dùng chung toàn Thành phố đã hoàn thành (Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC 3 cấp). Ban hành các quy định, quy chế để đảm bảo vận hành, khai thác các hệ thống thông tin an toàn, hiệu quả.
Chủ tịch TP. Hà Nội chia sẻ, chuyển đổi số là công việc có khối lượng công việc không nhỏ trong khi đây là những nhiệm vụ mới, khó, đặc biệt với quy mô rất lớn của Thành phố 10 triệu dân.
"Với quyết tâm chính trị của Thành phố, Thành phố chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô", ông Trần Sỹ Thanh chia sẻ.