Bảo đảm các yêu cầu đồng bộ hồ sơ với Cổng dịch vụ công quốc gia
Triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), là địa phương được chọn thí điểm, TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện trên toàn Thành phố, phân công, phân cấp và xác định thời gian, lộ trình, trách nhiệm thực hiện cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị.
Qua 7 tháng triển khai, đến nay, tất cả cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo 06 và Tổ công tác 06 (gồm 30 Ban Chỉ đạo 06 cấp huyện, 579 Ban Chỉ đạo 06 cấp xã và trên 5.200 Tổ công tác 06 tại thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố) trong đó xác định lực lượng Công an là cơ quan thường trực đồng thời đã thành lập 100% Tổ công tác 06 tại Công an các cấp (Thành phố, huyện, xã) để trực tiếp tham mưu Ban Chỉ đạo 06 UBND các cấp triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Đề án.
Theo Công an TP. Hà Nội, đối với Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, Thành phố đang triển khai trên cơ sở Hệ thống thử nghiệm để đánh giá mức độ đáp ứng và khả năng thay thế Hệ thống cũ trong thời gian tới (dự kiến thực hiện các thủ tục liên quan hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức trong quý III/2022).
Bước đầu kết quả triển khai thử nghiệm cho thấy, Hệ thống thử nghiệm cơ bản hoàn thành mục tiêu là triển khai nhanh nhất cho công dân, doanh nghiệp nộp được hồ sơ dịch vụ công và hỗ trợ cán bộ xử lý, luân chuyển được hồ sơ trên môi trường điện tử, đáp ứng được nghiệp vụ cơ bản.
Ngoài ra, đã thực hiện kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm các yêu cầu về khả năng đồng bộ hồ sơ với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công các bộ, ngành; khả năng đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động vận hành, kết nối; khả năng quản lý tài khoản và xác thực tập trung.
Hệ thống thử nghiệm đang tiếp tục hoàn thiện quy trình nghiệp vụ; đảm bảo hiệu năng, số lượng truy cập và nhu cầu sử dụng của công dân, cán bộ công chức. Hệ thống thiết kế các biểu mẫu điện tử đảm bảo theo yêu cầu nghiệp vụ và thực hiện điền tự động các dữ liệu sẵn có của công dân và đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia vể dân cư, thực hiện đối soát với 3 trường thông tin của cá nhân: Họ tên, ngày tháng năm sinh, số CCCD/CMT từ đó tự động điền các trường thông tin dữ liệu của công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia vể dân cư.
Nỗ lực để hoàn thành cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu
Đến hết 6 tháng, Thành phố đã hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 (đạt 84%) với tổng số tiếp nhận và giải quyết trên 500.000 hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công.
Trong đó, các dịch vụ công được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực cư trú của Công an Thành phố với tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trong 06 tháng đầu năm là trên 100.000 hồ sơ.
Đối với 4 DVC còn lại, gồm: 1 DVC lĩnh vực Tư pháp (Cấp phiếu lý lịch tư pháp); 1 DVC lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường (Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận; 2 dịch vụ liên thông (Liên thông Đăng ký khai sinh và Liên thông Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí): Thành phố đã chủ động đề xuất phương án đồng thời sẵn sàng phối hợp thực hiện triển khai theo hướng dẫn của các Bộ, ngành chủ quản.
Ban chỉ đạo 06 Thành phố đã ban hành kế hoạch thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, đến nhân dân về ý nghĩa của việc triển khai Đề án 06 nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai.
Sẽ tổ chức chức kiểm tra, khảo sát thực tế triển khai Đề án 06
Theo đánh giá chung, công dân trên địa bàn Thành phố cơ bản đáp ứng yêu cầu về trình độ công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin; việc sử dụng thiết bị máy tính, internet để đăng ký giải quyết các thủ tục được Thành phố quan tâm và có nhiều giải pháp vận động, hướng dẫn, tuyên truyền việc sử dụng.
Từ năm 2018 đến nay, việc xây dựng các Hệ thống thông tin được định hướng gắn với sự linh hoạt và đa dạng các nền tảng mà công dân có thể truy cập, theo dõi (bằng máy tính, thiết bị điện thoại di động thông minh, các máy tính kết nối mạng tại các khu dân cư, các điểm truy cập công cộng tại các khu chung cư, bảng điện tử chạy tại các thang máy chung cư…); các đối tượng tham gia được hướng tới qua kênh lan tỏa như học sinh, sinh viên hoặc các cán bộ, công chức hưu trí tại các tổ, cụm dân cư.
Do đặc thù của Hà Nội có sự phân chia khu vực đô thị và nông thôn nên tính chất và đặc điểm dân cư cũng có sự khác biệt, đặc biệt việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin của một bộ phận nhân dân còn có hạn chế nhất định nên việc hướng dẫn và vận động nhân dân tham gia sử dụng các dịch vụ công còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các khu vực.
Nguyên nhân là do tâm lý của người dân đối với việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến còn e ngại và do thói quen của người dân muốn đến tận nơi, muốn được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp. Việc sử dụng các thiết bị thông minh hỗ trợ cho việc thực hiện đối với 1 bộ phận người dân (người cao tuổi, công dân trên địa bàn vùng nông thôn) còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến chưa linh hoạt và đơn giản cũng như việc phát sinh thêm một số chi phí như phí dịch vụ bưu chính, thanh toán trực tuyến cũng là một nguyên nhân làm giảm tỷ lệ tham gia của người dân.
Để triển khai hiệu quả Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuận lợi nhất cho người dân, bên cạnh công tác tuyên truyền, trong các tháng tiếp theo, Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện bảo đảm và triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Thành phố có kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình của Đề án 06.
Ngoài ra, triển khai việc tái cấu trúc và xây dựng, phê duyệt quy trình theo hướng dẫn của các Bộ chủ quản và tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn Thành phố sau khi đã hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm đồng thời tổ chức tuyên truyền thực hiện trên thực tế.
Thành phố dự kiến tổ chức chức kiểm tra, khảo sát thực tế việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn Thành phố để kịp thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, báo cáo cấp có thẩm quyền sớm tháo gỡ, giải quyết, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án.
Xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các dịch vụ công được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi đưa vào vận hành chính thức, đảm bảo việc thực hiện trên thực tế của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia vào quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của người dân được thuận lợi và hiệu quả.