Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký ban hành quyết định ban hành quy định thực hiện thí điểm liên thông một số thủ tục hành chính lĩnh vực đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, môi trường, đất đai, xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường (quy định).
Quy định được triển khai thực hiện từ ngày 29/7/2022.
Quy định này quy định về nguyên tắc, hồ sơ, thời gian, quy trình và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến việc tiếp nhận, chuyển giao, giải quyết hồ sơ và trả kết quả trong quá trình thực hiện liên thông một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, môi trường, đất đai, xây dựng đối với dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường gồm 04 nhóm.
Nhóm 1: Liên thông các thủ tục hành chính gồm: cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng/điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.
Nhóm 2: Liên thông các thủ tục hành chính gồm: cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư; đăng ký thành lập doanh nghiệp (căn cứ loại hình doanh nghiệp để thực hiện thủ tục hành chính tương ứng như: Đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân; đăng ký thành lập Công ty TNHH một thành viên; đăng ký thành lập Công ty TNHH 2 thành viên trở lên; đăng ký thành lập công ty cổ phần; đăng ký thành lập công ty hợp danh) (Nhóm này áp dụng liên thông trong trường hợp thành lập tổ chức kinh tế đối với nhà đầu tư nước ngoài).
Nhóm 3: Liên thông các thủ tục hành chính gồm: Đăng ký thành lập doanh nghiệp (căn cứ loại hình doanh nghiệp để thực hiện thủ tục hành chính tương ứng như: Đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân, đăng ký thành lập Công ty TNHH một thành viên, đăng ký thành lập Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, đăng ký thành lập công ty cổ phần, đăng ký thành lập công ty hợp danh) hoặc đăng ký thay đổi vốn điều lệ, thay đổi tỷ lệ vốn góp (đối với công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh), điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn vào doanh nghiệp đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh; đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng; tăng thêm diện tích do nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất đã có giấy chứng nhận.
Nhóm 4: Liên thông các thủ tục hành chính gồm: Thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp đối với nhà đầu tư nước ngoài; thay đổi thành viên, cổ đông (căn cứ loại hình doanh nghiệp để thực hiện thủ tục hành chính tương ứng như: Đăng ký thay đổi vốn điều lệ, thay đổi tỷ lệ vốn góp (đối với công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh); đăng ký thay đổi thành viên Công ty TNHH 2 thành viên trở lên; thông báo thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài trong công ty cổ phần chưa niêm yết).
Nguyên tắc liên thông giải quyết thủ tục hành chính: Tuân thủ đúng theo quy định này, Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, các văn bản khác có liên quan. Doanh nghiệp, nhà đầu tư có quyền lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng liên thông các thủ tục hành chính. Quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên thông được đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá bằng các phương pháp khác nhau trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân. Bảo đảm thuận tiện, nhanh chóng và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.