Đây là một trong những mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Theo đó, tỉnh Cà Mau xác định nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; do đó trước tiên phải thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Cần có cách tiếp cận mới, sáng tạo, mạnh dạn thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn đặt ra; tránh biểu hiện bàng quan, thụ động và cũng không chủ quan, nóng vội, không sát thực tiễn.
Chuyển đổi số phải thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống chính trị, gồm: Cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Chuyển đổi số hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững; đổi mới, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Xác định thể chế là yếu tố nền tảng trong chuyển đổi số. Tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế về chuyển đổi số để tạo động lực, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo đảm khung pháp lý trong triển khai thực hiện. Bảo đảm an toàn thông tin mạng là ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ không thể tách rời trong quá trình chuyển đổi số. Các nền tảng số khi xây dựng, triển khai trên địa bàn tỉnh phải xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo quy định. Ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số; lựa chọn những dự án, công trình trọng điểm, có tính nền tảng đưa vào danh mục đầu tư công của tỉnh.
Theo đó, từng bước đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, chỉ đạo và điều hành của cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ chức và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh cơ bản hoàn thành số hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đến năm 2030, số hóa toàn diện các lĩnh vực, kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh, chiếm 20% GRDP của tỉnh.