Việc triển khai có hiệu quả công tác xây dựng chính quyền điện tử của thành phố Hà Nội thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Xây dựng chính quyền điện tử đã và đang đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại.
Hướng dẫn người dân làm thủ tục trên Cổng dịch vụ hành chính công tại bộ phận “một cửa” quận Hoàng Mai. Ảnh: Đỗ Tâm
Chuyển biến mạnh mẽ
Theo UBND thành phố Hà Nội, trong 1.843 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, đến cuối năm 2021 có 556 thủ tục đã thực hiện ở mức độ 4, bảo đảm hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND thành phố Hà Nội đã tăng cường hoàn thiện hệ thống họp trực tuyến từ thành phố đến cơ sở. Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quân cho biết, năm 2021 thành phố tổ chức 1.187 cuộc họp trực tuyến (tăng gấp 3 lần so với năm 2020), đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong bối cảnh dịch bệnh. Bên cạnh đó, Văn phòng UBND thành phố đã phát hành gần 5.000 văn bản điện tử có chữ ký số tới các cơ quan trung ương, địa phương ngoài thành phố và 27.641 văn bản tới các cấp, ngành thuộc thành phố. Tỷ lệ văn bản quá hạn sau khi áp dụng hệ thống văn phòng điện tử chỉ còn khoảng 0,7% tổng số văn bản đến, tiết kiệm gần 300 triệu đồng chi phí văn phòng phẩm trong năm 2021.
Một trong những dữ liệu quan trọng để phục vụ xây dựng chính quyền điện tử là dự án quốc gia về dân cư và căn cước công dân. Theo Đại tá Ngô Duy Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội), đến hết tháng 1-2022, đơn vị đã cập nhật được 99,5% thông tin của công dân thường trú trên địa bàn Thủ đô vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. “Năm 2021, nhiều ứng dụng trên nền tảng khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Hà Nội triển khai mạnh mẽ, như: Đăng ký cư trú, phương tiện giao thông, kê khai thuế trực tuyến, cấp thẻ bảo hiểm y tế, thanh toán bảo hiểm, cập nhật dữ liệu tiêm vắc xin phòng Covid-19, liên thông kết quả xét nghiệm của các cơ sở y tế, trợ cấp cho người dân và chủ cơ sở kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...”, Đại tá Ngô Duy Thắng nói.
Trưởng phòng Tư pháp quận Ba Đình Lê Thị Thu Hà chia sẻ, ngay từ đầu năm 2021, quận đã hoàn thành việc số hóa dữ liệu hộ tịch. Phòng Tư pháp cấp bản sao trích lục hộ tịch cho gần 2.000 trường hợp; cán bộ tư pháp - hộ tịch không phải tra cứu và đánh máy dữ liệu hộ tịch để cấp bản sao trích lục cho công dân thủ công như trước; sai sót hay gặp phải trước đây được hạn chế tối đa.
Đến thực hiện hồ sơ đăng ký khai sinh cho con ngay những ngày đầu năm 2022, anh Cao Văn Chiến (phường Kim Mã, quận Ba Đình) đánh giá, công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ được thực hiện trên Cổng dịch vụ hành chính công thành phố. Cán bộ hộ tịch - tư pháp phường cũng không mất nhiều thời gian kiểm tra, cấp giấy khai sinh, rút ngắn thời gian đăng ký của người dân.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hà Nội đã tăng cường hoàn thiện Hệ thống họp trực tuyến từ thành phố đến cơ sở. Trong ảnh: Quang cảnh cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 huyện Thanh Trì tại điểm cầu xã Ngọc Hồi. Ảnh: Nguyễn Quang
Khai thác tối đa dữ liệu điện tử
Nhằm bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hướng tới chuyển từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, năm 2022, thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 30%; 100% kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính được đồng bộ đầy đủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hà Nội cũng phấn đấu 100% người dân chưa có danh tính điện tử khi thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” các cấp được cấp danh tính điện tử…
Thành phố yêu cầu trong năm 2022, tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng đối với các sở, ngành và tương đương đạt 100%, đối với các phòng, ban và tương đương thuộc UBND cấp huyện đạt 80%, đối với UBND cấp xã đạt 70%; 100% hồ sơ, văn bản được gửi, nhận trên môi trường mạng tại các cấp chính quyền và các cơ quan trung ương…
Để tiếp tục ứng dụng nền tảng khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 8-10-2021 về triển khai ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quản lý xã hội, phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp với Công an thành phố rà soát, nghiên cứu để xây dựng phương án, giải pháp tích hợp thông tin do đơn vị mình quản lý với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo lộ trình với các thông tin công chức, viên chức, thẻ cư dân tại các khu chung cư cao tầng...
Ở góc độ địa phương, theo Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm, nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng chính quyền điện tử, quận tiếp tục tăng cường xây dựng các kênh thông tin để tiếp nhận các ý kiến đề xuất, góp ý, phát hiện, hiến kế... của tổ chức, cá nhân. Cùng với đó, tiếp nhận phản ánh của người dân đối với công tác cải cách hành chính của quận và những kết quả khắc phục, xử lý các vấn đề người dân, dư luận bức xúc; tiếp tục tiếp thu, phản hồi ý kiến đóng góp, xử lý các kiến nghị, đề xuất của tổ chức, cá nhân đối với chính quyền.
UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 4097/QĐ-UBND ngày 6-9-2021 về việc phê duyệt kiến trúc chính quyền điện tử thành phố Hà Nội - xây dựng theo khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0. Theo đó, mục tiêu tổng quát là phát triển chính quyền điện tử của Hà Nội, hướng tới chính quyền số, góp phần tích cực xây dựng chính quyền Hà Nội hiệu năng, hiệu quả, công khai và minh bạch phục vụ tốt mọi lúc, mọi nơi cho người dân và doanh nghiệp; phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp.