Dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị.
Hội nghị tập trung đánh giá toàn diện kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh, từ đó xác định rõ kết quả đạt được, chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục. Đồng thời, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030; Đề án đẩy mạnh CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Giai đoạn 2016-2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt công tác CCHC và đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số CCHC tỉnh Tuyên Quang năm 2020 đạt 83,81%, tăng 6,53% so với năm 2016; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 đạt 82,25% tăng 8,45% so với năm 2016. Qua đó, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL được thực hiện đúng quy định, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Thủ tục hành chính (TTHC) được rà soát thường xuyên theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 05 Quyết định thông qua phương án đơn giản hóa đối với 104 TTHC thuộc thẩm quyền. Kết quả hồ sơ TTHC của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh giải quyết trước và đúng hạn đạt 99,8%. Duy trì hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị tiếp tục kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối; quy định chức năng nhiệm vụ rõ ràng, không chồng chéo. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức được nâng lên. Cải cách tài chính công có nhiều chuyển biến tích cực. Ứng dụng hiệu quả CNTT vào hoạt động của các cơ quan nhà nước. Hiện nay, 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có mạng Internet và hệ thống mạng nội bộ (LAN). Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh được triển khai, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tính đến tháng 9/2021, cổng dịch vụ công Tuyên Quang thực hiện cung cấp 1846 dịch vụ công, tích hợp được 426 dịch vụ công mức độ 3,4 lên cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 38,72%.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội nghị.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác CCHC còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc ban hành văn bản QPPL theo phân cấp và tổ chức triển khai thi hành một số văn bản QPPL còn chậm; chưa chú trọng rà soát, kiến nghị phương án đơn giản hóa, rút ngắn thời gian các TTHC được quy định; trong một số lĩnh vực, số lượng đơn vị tự chủ toàn diện còn ít, mức độ tự chủ còn thấp; đầu tư cho ứng dụng CNTT triển khai chưa đồng bộ, nguồn nhân lực triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước còn thiếu về số lượng, chất lượng…
Đối với Đề án đẩy mạnh CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 hướng tới mục tiêu đảm bảo sự lãnh đạo đồng bộ, thống nhất của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp, tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, vì lợi ích nhân dân; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Phấn đấu đến năm 2025, Chỉ số CCHC của tỉnh đạt từ 86% trở lên (thuộc nhóm khá trong cả nước).
Đề án đề ra các chỉ số, mục tiêu cụ thể trên 6 nội dung của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước, gồm: Cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Đề án cũng xác định 6 nhóm giải pháp thực hiện với 26 giải pháp cụ thể.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến trao đổi về nguyên nhân, hạn chế, bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình triển khai thực hiện CCHC giai đoạn trước. Đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện chỉ số CCHC, cải thiện sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tham luận tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, công tác CCHC là chủ trương lớn của Đảng, nhà nước trong nhiều nhiệm kỳ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cũng đã xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, thiết thực các nhiệm vụ CCHC trong giai đoạn 2021 - 2030, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành và các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, đặc biệt là tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong CCHC; coi CCHC vừa là nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, không thể không làm, không thể làm chậm, không thể làm không hiệu quả. Trên cơ sở đó, tập trung triển khai toàn diện, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình tổng thể CCHC nhà nước tại Nghị quyết 76 của Chính phủ và Đề án đẩy mạnh CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, rà soát văn bản QPPL; đề xuất cơ quan thẩm quyền cụ thể hóa các quy định của Trung ương hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những văn bản QPPL không còn phù hợp. Đẩy mạnh cải cách TTHC, vận hành có hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh để cải thiện chất lượng giải quyết TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, khắc phục tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ; xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, thân thiện trong giải quyết TTHC. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, kiện toàn bộ máy cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế.
Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, làm tốt công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, viên chức, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác tuyển dụng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí quản lý hành chính theo quy định; giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cho phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số. Tăng cường thông tin, truyền thông về CCHC…
Đồng chí tin tưởng rằng, với sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, sự cố gắng phấn đấu của mỗi cán bộ, công chức, sự ủng hộ giám sát của người dân, doanh nghiệp thì công tác CCHC của tỉnh sẽ có bước đột phá, góp phần quan trọng vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.