Cải cách hành chính trong thời gian phòng, chống dịch bệnh

Thứ sáu, 05/03/2021 14:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Những ngày đầu Xuân 2021, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát ở một số địa phương khiến nguy cơ lây nhiễm tăng cao, song các hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Giang vẫn diễn ra hiệu quả. Có được điều đó là nhờ những giải pháp hữu hiệu được áp dụng trong những năm qua với các quy trình mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số…, nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của tỉnh.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Phong trào thi đua sáng tạo trong cải cách hành chính

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC), không những đã làm thay đổi cơ bản, toàn diện mọi hoạt động của các đơn vị, địa phương của tỉnh Bắc Giang mà còn tạo nên phong trào thi đua hết sức ý nghĩa. Qua đó từng bước phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang hiện nay đang triển khai hiệu quả sáng kiến sử dụng mã vạch thực hiện thủ tục trợ cấp thất nghiệp, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, giảm một nửa thời gian làm thủ tục và kiểm soát chặt chẽ việc lạm dụng trong quá trình xét duyệt hồ sơ. Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm cho biết, với quy trình mới này, chỉ cần 20 ngày là hồ sơ của người lao động sẽ được thông qua. Trung tâm ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp và cấp một mã vạch để thuận lợi trong việc đọc dữ liệu giữa các cơ quan liên quan. Sau đó chuyển danh sách cho cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh rà soát, hoàn thiện danh sách và chuyển tiền qua bưu điện hoặc ngân hàng. Người lao động sử dụng mã vạch để đối chiếu thông tin trước khi nhận tiền.

Từ đầu năm đến nay, trung tâm tiếp nhận 2.099 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Qua giải quyết có 1.956 lao động được nhận quyết định hưởng trợ cấp, tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay thì việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người nhận trợ cấp là một hiệu quả “kép” đáng ghi nhận. 

Cũng qua khảo sát, đánh giá của Hội đồng thẩm định về chỉ số CCHC tỉnh, thì Sở Ngoại vụ Bắc Giang cũng là một trong những đơn vị hàng đầu về chỉ số CCHC và chỉ số hài lòng của người dân ở khối sở, ngành, trong đó có 7 trong số 16 tiêu chí đạt 100%. Ông Ngô Biên Cương, Giám đốc Sở Ngoại vụ khẳng định: “Mục tiêu xuyên suốt trong công tác CCHC là hướng đến sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Năm 2020, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhận định sẽ có nhiều người dân Bắc Giang ở nước ngoài cần giúp đỡ, Sở Ngoại vụ tỉnh đã đưa vào vận hành đường dây nóng bảo hộ công dân để tiếp nhận đề nghị hỗ trợ, kịp thời giải đáp thắc mắc, vướng mắc của họ. Từ khi vận hành đến nay, đã có 20 trường hợp gọi đến đường dây nóng đề nghị bảo hộ công dân và được hướng dẫn thủ tục cần thiết”. 

Tại TP Bắc Giang, từ cuối năm 2019 đến nay, cán bộ bộ phận một cửa cấp xã không còn phải tất bật mang hồ sơ lên phòng chuyên môn cấp trên. Nhờ đó đã hạn chế được tương đối việc cán bộ cấp xã, phường phải di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Đây là kết quả từ việc triển khai quyết liệt chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông về triển khai thí điểm phần mềm một cửa điện tử liên thông ba cấp (tỉnh - thành phố - xã, phường) với chín thủ tục và liên thông, đồng bộ từ thành phố và 100% phường, xã. Chị Hoàng Thị Vân Hồng, cán bộ xã Tân Tiến cho biết, với cách làm này, cán bộ đỡ vất vả hơn, người dân cũng được hưởng lợi. Tỷ lệ hồ sơ trả trước và đúng hạn đối với nhóm thủ tục liên thông tăng cao.

Đẩy mạnh sử dụng chữ ký số

Cùng với việc đẩy mạnh thi đua, sáng tạo trong CCHC, những năm qua tỉnh Bắc Giang được Ban Cơ yếu Chính phủ đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu về việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Trước đây, việc xử lý văn bản theo quy cách cũ mất nhiều thời gian, công sức qua các bước như in tài liệu, trình lãnh đạo ký, lấy số văn bản, scan và đính tài liệu lên hệ thống để phát hành…, thì từ khi áp dụng chữ ký số, với chứng thư số được cấp và cài đặt trên máy vi tính cá nhân, lãnh đạo chỉ cần đăng nhập vào phần mềm để thao tác là hoàn thành việc ký số.

Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND thành phố Bắc Giang Ngô Thành Giang khẳng định, hiện nay, trừ những văn bản mật, hầu hết văn bản đều được giải quyết trên hệ thống mạng điện tử liên thông. Quy trình này đã cho thấy tính ưu việt như giảm thời gian gửi nhận văn bản, chuyển tài liệu; việc ký các văn bản tiện lợi, nhanh chóng; là nền tảng để giải quyết thủ tục hành chính mức độ 4 và đã góp phần tiết kiệm hàng tỷ đồng ngân sách mỗi năm. Đồng thời thay đổi tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ từ trực tiếp sang giải quyết công việc trên mạng, góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. 

Qua theo dõi của Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông), tính đến thời điểm này, 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn Bắc Giang đã sử dụng chữ ký số. Toàn tỉnh đã cấp hơn 5,7 nghìn chứng thư số, trong đó cấp 4.028 chứng thư số cho cá nhân, 1.676 chứng thư số cho tổ chức. Việc theo dõi, quản lý chữ ký số được thực hiện thường xuyên, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cá nhân, tổ chức; bảo đảm an toàn thông tin trong các giao dịch điện tử.

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc trên hệ điều hành ISO, Android để dễ dàng sử dụng trên điện thoại di động. Tính đến nay, toàn tỉnh đã cấp hơn 5,7 nghìn chứng thư số; trong đó cấp 4.028 chứng thư số cho cá nhân, 1.676 chứng thư số cho tổ chức. Việc theo dõi, quản lý chữ ký số được thực hiện thường xuyên, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cá nhân, tổ chức và bảo đảm an toàn thông tin trong các giao dịch điện tử.

Có thể thấy rằng, công tác CCHC gắn với chuyển đổi số của tỉnh Bắc Giang không chỉ là một quá trình thay đổi hạ tầng vật chất mà còn là thay đổi về ý thức con người và luôn được coi như một phương thức phát triển của tỉnh. Nhờ đó, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác CCHC của Bắc Giang đã cơ bản hoàn thành, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; góp phần tích cực vào hoạt động kết nối Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN và mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)