Hướng đến sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là mục tiêu được các cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội chú trọng thực hiện thời gian qua. Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, được người dân hài lòng, góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính trên địa bàn.
Hướng tới chính quyền phục vụ
Chị Hà Kiều Oanh, phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) vừa được UBND phường Nghĩa Tân tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn chia sẻ: “Đây là sự kiện quan trọng trong đời nên tôi mời cả gia đình đến chung vui. Mọi người rất phấn khởi khi chứng kiến lãnh đạo UBND phường Nghĩa Tân trực tiếp trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho công dân”.
Chia sẻ về cách làm này, chị Trần Thị Thanh Tuyết, công chức tư pháp - hộ tịch (UBND phường Nghĩa Tân) cho biết: “Trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho công dân là cách làm nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người dân. Do vậy, trên cơ sở nguyện vọng của công dân, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND phường trực tiếp trao tại trụ sở. Từ năm 2019 đến nay, phường Nghĩa Tân đã tổ chức trao hơn 70 giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và nhận được sự phản hồi tích cực của công dân”.
Cán bộ bộ phận “một cửa” phường Việt Hưng, quận Long Biên (Hà Nội) trao giấy khai sinh tận nhà cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Viết Thành
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính được cấp ủy, chính quyền quận Cầu Giấy chú trọng với những giải pháp triển khai thiết thực. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên viên Phòng Nội vụ quận Cầu Giấy, quận chú trọng tăng cường tính tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp. Đến nay, UBND quận đã chỉ đạo lập 3 tài khoản trên mạng xã hội Facebook là: “Quận Cầu Giấy - Thủ đô Hà Nội”, “Vì quận Cầu Giấy Xanh - Sạch - Đẹp”, “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quận Cầu Giấy”. Qua đó, rất nhiều phản ánh, kiến nghị được giải quyết kịp thời, giảm tải việc giải quyết đơn thư theo quy định. “Những năm gần đây, từ phường đến quận đều không có thủ tục hành chính nào bị trả chậm muộn”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định.
Tương tự, tại quận Thanh Xuân, UBND quận đã công khai số điện thoại của lãnh đạo quận để người dân dễ dàng phản ánh thông tin. Khi có ý kiến phản ánh, UBND quận mời công dân đến để ghi nhận, tiếp thu, giải quyết theo thẩm quyền. Cách làm đó đã góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức,viên chức.
6 tháng đầu năm 2020, quận giải quyết 100% hồ sơ hành chính đúng hạn, không có hồ sơ chậm muộn.
Trong khi đó, ngay từ đầu năm 2020, UBND huyện Đan Phượng đã xây dựng và công bố kế hoạch tổ chức hội nghị đối thoại với tổ chức, cá nhân về quy định thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính. Huyện cũng phát phiếu đăng ký tham gia đối thoại cho công dân đến giao dịch tại bộ phận "một cửa" của UBND huyện và 16 xã, thị trấn, coi đây là dịp để tiếp nhận thông tin, đề ra những giải pháp cải cách hành chính của địa phương.
Cùng với các quận, huyện trên, thời gian gần đây các quận, huyện, sở, ngành như: Long Biên, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc... cũng có nhiều bứt phá trong cải cách hành chính thông qua đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Tiếp tục nỗ lực vì dân
Có thể thấy, những đơn vị có kết quả cải cách hành chính tốt đều luôn quan tâm và dành sự đầu tư xứng đáng cho công tác này. Theo Trưởng phòng Nội vụ quận Cầu Giấy Nguyễn Minh Hiển, từ năm 2017 về trước, kinh phí bố trí thực hiện cải cách hành chính chỉ khoảng 100-200 triệu đồng/năm thì từ năm 2018 đến nay, nguồn kinh phí bố trí tăng gấp 8-10 lần để bảo đảm thực hiện thành công mọi nhiệm vụ. Đây cũng là cách làm được các đơn vị, địa phương của Hà Nội thực hiện.
Nỗ lực của các đơn vị đã góp phần tích cực vào công tác cải cách hành chính chung của thành phố. Điển hình là kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2019, thành phố Hà Nội đạt 84,64%, tiếp tục xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Viết Thành
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại mà các cấp, các ngành phải nỗ lực phấn đấu. Đơn cử như Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của thành phố mới xếp thứ 52/63 tỉnh, thành phố.
Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, 6 tháng cuối năm 2020, thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS). Cùng đó, thành phố sẽ khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Để thực hiện kế hoạch này, nhiều đơn vị đã xác định giải pháp tập trung thực hiện. Theo Bí thư Quận ủy - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu, quận sẽ rà soát đánh giá thủ tục hành chính, kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Còn Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Đống Đa Nguyễn Việt Hồng cho biết, nhằm thực hiện tốt Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, quận sẽ bố trí cán bộ, công chức giỏi chuyên môn, tăng cường trang thiết bị hiện đại để ngày càng phục vụ người dân tốt hơn. Với Sở Tài chính, Sở sẽ sử dụng có hiệu quả hệ thống “một cửa” điện tử thành phố dùng chung 3 cấp trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
Với sự vào cuộc quyết tâm trên, tin tưởng rằng, chất lượng phục vụ tổ chức, công dân của các cơ quan hành chính thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục được cải thiện, nâng cao.