Ngày 23-6, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020, xây dựng Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 và đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ số CCHC năm 2019 của tỉnh. Chủ trì tại điểm cầu trung tâm có các ông: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Tiến Đông-Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có bà Ayun HBút-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Tại 17 điểm cầu có đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, các phòng, ban chuyên môn.
Nhiều mục tiêu đạt và vượt
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhận định: “Trong 10 năm qua (2011-2020), công tác CCHC của tỉnh luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền xác định là khâu đột phá trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, kết quả công tác CCHC đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mục tiêu tỉnh đề ra trong Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020 đạt và vượt yêu cầu. Đây là những kết quả rất khả quan”.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Linh
Theo đó, thể chế hành chính của tỉnh ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật. Tỉnh đã rà soát, hệ thống hóa hơn 21.066 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hơn 1.650 VBQPPL. Cải cách thủ tục hành chính là một trong những nội dung được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao. Ông Huỳnh Văn Tâm-Giám đốc Sở Nội vụ-thông tin: Từ năm 2011 đến ngày 31-5-2020, tỉnh đã tiến hành rà soát 396 thủ tục hành chính nhằm kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, thay thế, bãi bỏ. Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh đã ban hành 394 quyết định công bố 1.972 thủ tục hành chính, tất cả đều được cung cấp ở mức độ 2; trong đó có 325 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 150 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Các cấp tỉnh, huyện, xã đều triển khai mô hình “Một cửa”, “Một cửa điện tử liên thông”. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính hàng năm của tỉnh luôn đạt từ 89% trở lên. Đến ngày 31-5-2020, tỉnh đã thí điểm chuyển giao bộ phận tiếp nhận và trả kết quả làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 10 UBND cấp huyện và 8 UBND cấp xã sang bưu điện cùng cấp. Trong giai đoạn 2017-2019, Bưu điện tỉnh đã tiếp nhận 94.903 hồ sơ sử dụng dịch vụ bưu chính công ích, tăng 41% khi tham gia đề án thí điểm.
Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều biến chuyển. “Tính đến ngày 20-4-2020, tỉnh đã tinh giản được 2.389 biên chế (đạt 7,6%) và 128 chỉ tiêu hợp đồng lao động (đạt 8,22%). Giai đoạn 2011-2020, Sở Nội vụ tổ chức 93 cuộc thanh tra tại 123 đơn vị, sau thanh tra đã xử lý hoặc kiến nghị xử lý 100% vấn đề phát hiện”-Giám đốc Sở Nội vụ cho hay.
Cải cách tài chính công đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần tăng tính minh bạch trong thực hiện ngân sách. Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh bố trí bổ sung hơn 6.271 tỷ đồng thực hiện các chính sách an sinh xã hội (cấp tỉnh hơn 2.903 tỷ đồng, cấp huyện hơn 3.368 tỷ đồng). Hiện đại hóa hành chính cũng được chú trọng. 100% cơ quan, đơn vị, địa phương và một số cơ quan nhà nước khác đã sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành; đã thực hiện gửi, nhận hơn 2.978 lượt trao đổi văn bản điện tử; tỷ lệ cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử cho công việc đạt hơn 80%; tỷ lệ thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 có phát sinh hồ sơ là 57,86%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trong 6 tháng đầu năm 2020 chiếm 98,63% trên tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trên hệ thống.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá về chỉ số CCHC năm 2019 của tỉnh và kết quả chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2019. Theo đó, kết quả tự đánh giá, chấm điểm xác định chỉ số CCHC năm 2019 của tỉnh (không có điểm điều tra xã hội học) là 60,33/65 điểm, giảm 4,67 điểm, đạt tỷ lệ 92,82%. Kết quả thẩm định, chấm điểm của Bộ Nội vụ (kể cả phần điểm điều tra xã hội học) là 80,58/100 điểm (cao hơn năm 2018 là 6,02 điểm), xếp vị trí 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 9 bậc so với năm 2018). Theo kết quả công bố, chỉ số SIPAS năm 2019 của tỉnh Gia Lai đạt 84,45%, cao hơn năm 2018 là 10,24%, xếp vị trí 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 18 bậc so với năm 2018 (năm 2018 là 74,21%, xếp vị trí 56/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Cần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác CCHC của tỉnh. Cụ thể, một số mục tiêu CCHC đạt nhưng ở mức độ thấp như: sắp xếp, tổ chức bộ máy; chất lượng cán bộ công chức cấp xã; rà soát, kiến nghị cắt giảm thủ tục hành chính; dịch vụ công cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đầu tư xây dựng trụ sở xã. Nhiều nội dung CCHC của tỉnh chưa đạt yêu cầu; chỉ số CCHC của tỉnh còn thấp. Hệ thống VBQPPL của HĐND, UBND các cấp vẫn còn cồng kềnh với số lượng VBQPPL được ban hành tương đối nhiều; một số VBQPPL ban hành trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền; tồn tại tình trạng VBQPPL có chứa nội dung chồng chéo, mâu thuẫn với VBQPPL do Trung ương ban hành. Việc xây dựng đề án kiện toàn, sắp xếp bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của một số cơ quan, địa phương chưa đạt yêu cầu, gây khó khăn trong quá trình xây dựng phương án sắp xếp của tỉnh. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tuy đã được tỉnh và các sở, ngành xây dựng và tích cực hướng dẫn sử dụng nhưng người dân, doanh nghiệp chưa quan tâm. Việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích ở UBND cấp xã phát sinh thấp.
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: HỒNG THI
Lý giải điều này, ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-nêu nguyên nhân: “Trên thực tế, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế. Có nhiều lý do như: công tác tuyên truyền chưa tốt; người dân và doanh nghiệp còn tâm lý e dè; trình độ sử dụng công nghệ thông tin chưa cao. Bên cạnh đó, phần mềm dịch vụ còn nhiều trục trặc”. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất, thời gian tới tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt là khuyến khích người dân tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, dịch vụ bưu chính công ích.
Nhằm hạn chế tình trạng trễ hạn trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-nêu một số giải pháp mà thành phố đã áp dụng khá hiệu quả. “Chúng tôi niêm yết số điện thoại của lãnh đạo UBND thành phố ngay tại bộ phận tiếp nhận thủ tục hành chính để người dân có thể phản ánh nhanh mọi vướng mắc. Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ hiểu, rút ngắn thời gian; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC; xây dựng quy chế làm việc giữa các sở, ban, ngành tỉnh với phòng, ban của thành phố để kịp thời giải quyết vướng mắc cho người dân…”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh vai trò quan trọng của CCHC đối với phát triển kinh tế-xã hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và phải thực hiện thường xuyên. Chủ tịch UBND tỉnh xác định, trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh ta cần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, giám sát của đội ngũ lãnh đạo, phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong CCHC. Các dịch vụ công mức độ 3 và 4 phải được tăng cường sử dụng. Tinh gọn bộ máy hành chính trên địa bàn tỉnh, nâng cao về chất lượng, cơ bản đáp ứng được chức năng quản lý nhà nước ở địa phương. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường thân thiện để thu hút đầu tư. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong giải quyết công việc.