Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đã đạt được nhiều bước tiến rất quan trọng.
Cụ thể, đã cắt giảm, đơn giản hóa: 3.893/6.191 đăng ký kinh doanh; 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm ước tính khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ VNĐ/năm.
Nhiều bộ ban hành VBQPPL để phân định tập trung một đầu mối kiểm tra chuyên ngành, giảm chồng chéo, phiền hà cho doanh nghiệp. Đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.
Về cung cấp dịch vụ công, các bộ, ngành, địa phương đều đã triển khai cơ chế một cửa. Đã có 58/63 địa phương có Trung tâm phục vụ hành chính cấp tỉnh. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao, có phản hồi tích cực, đạt tỉ lệ 95,8% đúng hẹn.
Cổng dịch vụ công Quốc gia (dichvucong.gov.vn) được khai trương kết nối với Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh và đã tích hợp, cung cấp 389 dịch vụ công trực tuyến. Tiết kiệm khoảng 6.490 tỷ VNĐ/năm, riêng Cổng dịch vụ công Quốc gia đóng góp 3.036 tỷ VNĐ/năm
Kết quả sau 6 tháng vận hành, Cổng dịch vụ công quốc gia đã hỗ trợ hơn 10.000 cuộc gọi; hơn 7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 54.000 hồ sơ qua Cổng dịch vụ công Quốc gia; hơn 134.000 tài khoản đăng ký; trên 35 triệu lượt truy cập.
Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đã tiếp nhận 5.465 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xử lý; xử lý, trả lời 4.297/5.465 phản ánh, kiến nghị đạt 78,63%.
Tháng 3/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương. Tính đến nay 95/95 bộ, ngành, địa phương và văn phòng Trung ương đã kết nối gửi, nhận VBĐT 2 cấp chính quyền; đã có hơn 1,7 triệu VBĐT gửi, nhận; ước tính cắt giảm trên 1.200 tỷ VNĐ/năm từ chi phí sao chụp, bưu chính.
Đáng chú ý, Văn phòng Chính phủ là cơ quan đầu tiên thực hiện đầy đủ quy trình xử lý trên môi trường mạng và đã thực hiện ký số từ tháng 5/2018.
Tiếp đó, tháng 6/2019, Hệ thống e-Cabinet được đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ 15 hội nghị, phiên họp Chính phủ (thay thế việc in ấn, sao chụp hơn 51.000 tài liệu giấy và biểu quyết điện tử); thực hiện xử lý hơn 330 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành hơn 53.000 phiếu giấy, hồ sơ, tài liệu kèm theo. Hệ thống cũng hỗ trợ xử lý công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về thiết chế tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo điều hành, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng tư vấn cải cách TTHC đã có nhiều đóng góp thiết thực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia ngày càng thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và hiệu quả hơn; tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị đối thoại tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nhờ những nỗ lực trên, nhiều chỉ số xếp hạng của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Cụ thể, Chỉ số PCI và PAPI 2019 đều tăng; xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu 2017-2019 tăng 21 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia và vị trí thứ 5/10 của ASEAN; xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 2019 tăng 10 bậc, xếp thứ 67/141 quốc gia và vị trí thứ 7 của ASEAN; Chỉ số phát triển bền vững xếp thứ 57/156 quốc gia, tăng 11 bậc và đứng thứ 3 khu vực ASEAN. Theo Tạp chí US News &World, Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư, tăng 15 bậc so với năm 2018.
Thời gian tới, Chính phủ xác định một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau đây:
Thông qua và triển khai thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 với các mục tiêu: Cắt giảm, đơn giản hoá ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ. Đo kiểm bằng phương pháp, công cụ áp dụng phổ biến từ các nước OECD; kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh;đẩy mạnh chuyển đổi phương thức quản lý; việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc sẽ được thực hiện thường xuyên để bảo đảm mục tiêu của Nghị quyết
Thứ hai, thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (Nghị định 45/2020/NĐ-CP): Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thực hiện TTHC trực tuyến trên môi trường điện tử; xây dựng kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ưu tiên các TTHC có nhu cầu lớn, hoạt động của phần lớn người dân, doanh nghiệp; số hoá các kết quả giải quyết TTHC. Thời gian tới, người dân, doanh nghiệp sẽ không phải xuất trình nhiều loại giấy tờ khi thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, qua đó giảm thời gian, chi phí; cấp và sử dụng bản sao điện tử. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện các dịch vụ hành chính cấp 4, không mất chi phí, thời gian để nộp hồ sơ giấy.
Thứ ba, cung cấp dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ các đối tượng khó khăn do đại dịch COVID-19 (dichvucong.gov.vn/pakn) trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Các dịch vụ này sẽ hỗ trợ cho 4 triệu đối tượng; đồng thời rút ngắn thời gian thực hiện từ 6 đến 10 ngày làm việc/ 1 đối tượng.