Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành, quận huyện trên địa bàn tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Ông Phạm Thế Hiển, ngụ quận Bình Tân có nhu cầu đăng ký hồ sơ kinh doanh, tuy nhiên, thay vì đến trụ sở chính quyền địa phương thì ông sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến của quận.
Ông Hiển cho rằng, ngoài sự tiện lợi của việc làm thủ tục qua mạng, thì nhờ dịch vụ công trực tuyến mà người dân cũng hạn chế đi lại, hạn chế đến nơi đông người trong mùa dịch. Chỉ cần một chiếc máy vi tính có nối mạng hoặc sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh là có thể giải quyết được công việc.
“Bây giờ là thời đại 4.0 rồi, không lý do gì mà phải ngồi cầm bút lách cách, đi hỏi từng người một. Chắc chắn là tiện lợi hơn rất nhiều, vì ngồi ở nhà cũng có thể làm việc được chứ không phải đến công sở nào hết. Chính việc đó giúp cho mình cảm thấy tự tin hơn trước tình hình dịch bệnh”, ông Hiển nói.
Không cần đi lại, người dân có thể làm thủ tục qua mạng bằng cổng dịch vụ công trực tuyến.
Tại quận Bình Tân, hơn một tháng nay, khu vực tiếp nhận và trả kết quả của quận đã vắng vẻ hơn trước. Lượng người đến làm thủ tục trực tiếp giảm từ 15% - 20%. Người dân chuyển từ hình thức nộp hồ sơ trực tiếp sang nộp trực tuyến. Do đó giảm được lượng hồ sơ giấy, đồng thời giảm được số lượt tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ và người dân. Việc này mang lại hiệu quả rất lớn trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, các cán bộ tại quận Bình Tân đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Hiện tại, quận đã triển khai 61 dịch vụ trực tuyến công cấp độ 3 và 13 dịch vụ trực tuyến công cấp độ 4.
“Trong 2 tháng đầu năm, lượng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng hơn 7% so với cùng kì năm ngoái. Đặc biệt, ý thức của người dân phối hợp với chính quyền trong việc tương tác với chính quyền trực tuyến đã tăng lên, giúp chúng tôi nhiều trong công tác chống dịch”, ông Lê Văn Thinh cho hay.
Không chỉ người dân, các chuyên gia và cán bộ tại TP. HCM cũng đánh giá cao hiệu quả phòng chống dịch nhờ sử dụng hình thức làm việc trực tuyến.
Trong thời điểm tăng cường phòng chống dịch Covid-19, cần hạn chế đi lại,
tiếp xúc nhiều người khi làm thủ tục hành chính.
Theo ông Bùi Thành Đức, cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, các cuộc họp giữa sở và địa phương cũng được tăng cường sử dụng theo hình thức họp trực tuyến. Không chỉ trong sở, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử cũng được áp dụng ở hầu hết các cơ quan công quyền trên địa bàn thành phố. Việc này không chỉ nâng cao hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 mà còn tạo thuận lợi rất lớn cho người dân và doanh nghiệp khi làm thủ tục hành chính.
“Để thuận tiện hơn cho doanh nghiệp và các doanh nghiệp cũng không phải đi lại nhiều lần, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp, TP. HCM đã triển khai các biện pháp hỗ trợ đăng ký kinh doanh tại nhà. Tập trung vào việc nhận và trả hồ sơ qua đường bưu điện”, ông Bùi Thành Đức nói.
Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Giám đốc hãng luật Lâm Trí Việt – Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, nên tăng cường tuyên truyền cho người dân để hiểu và ủng hộ việc làm thủ tục hành chính qua mạng, vừa góp phần giảm phiền hà phải đi lại nhiều lần, vừa chống được nhũng nhiễu, tiêu cực có thể phát sinh khi làm việc trực tiếp. Đặc biệt là trong giai đoạn cả nước cũng như thành phố tập trung cao độ để chống dịch như hiện nay.
“Hành chính công, tập trung tại một cửa có rất nhiều người dân lên nộp hồ sơ trực tiếp. Với một phòng làm việc có khoảng cách tiếp xúc quá gần như vậy thì nguy cơ lây nhiễm chéo hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, đẩy mạnh công tác trực tuyến công với thủ tục hành chính sẽ giúp cho việc phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao trong thời điểm hiện tại”, Luật sư Đỗ Trúc Tâm chia sẻ.
Việc đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19 mà còn mang lại nhiều lợi ích như: minh bạch, công khai trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm tải được lượng giấy phải sử dụng khi làm hồ sơ, tiết kiệm được chi phí lưu trữ. Ngoài việc tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu và nắm được cách thực hiện, các cơ quan công quyền tại TP. HCM cũng cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc vấn đề này từ người đứng đầu, đồng thời dành sự quan tâm, đầu tư kinh phí đúng mức để áp dụng công nghệ hiện đại nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân.