Với việc giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính,
hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Exedy Việt Nam được duy trì ổn định. Ảnh:Chu Kiều
Đầu tháng 3/2020, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chứng nhận thành lập Dự án CNC Tech Thăng Long, đây là dự án DDI đầu tiên đầu tư tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc.
Với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 300 tỷ đồng, dự án CNC Tech Thăng Long của Công ty cổ phần CNC Tech Thăng Long sản xuất túi, bao bì; đúc ép các sản phẩm nhựa công nghiệp hỗ trợ cho các ngành điện tử, viễn thông, ô tô xe máy với gần 3,5 nghìn sản phẩm/năm; sản xuất, gia công các sản phẩm kim loại, cơ khí chính xác, khuôn mẫu với 200 nghìn sản phẩm/năm; giải quyết việc làm cho khoảng 260 lao động; nộp ngân sách nhà nước hơn 17 tỷ đồng/năm.
Đánh giá về môi trường đầu tư của tỉnh, theo lãnh đạo Công ty cổ phần CNC Tech Thăng Long, chính quyền tỉnh và các ngành chức năng đã hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp thực hiện các TTHC nhanh nhất từ khi hình thành đến triển khai và phát triển dự án đầu tư; đây là yếu tố rất thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy.
Hơn 13 năm có mặt tại Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Exedy Việt Nam luôn nỗ lực trở thành một doanh nghiệp vững mạnh, tạo môi trường làm việc lành mạnh, ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. Năm 2019, doanh thu của công ty đạt hơn 530 tỷ đồng và nằm trong tốp đầu những doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh của Tập đoàn Exedy; giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.
Riêng 2 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị tác động của dịch covid-19, nhưng nhờ sự chủ động về nguồn nguyên liệu, công ty vẫn giữ đà tăng trưởng cao.
Để đạt kết quả trên, theo ông Toshikazu Bohmuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Exedy Việt Nam, bên cạnh sự nỗ lực của cán bộ, người lao động, công ty luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành.
Những ngày đầu mới thành lập, công ty được hỗ trợ một cách nhanh nhất các thủ tục đầu tư và trong suốt quá trình hoạt động, bất kỳ khi nào công ty gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính cũng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và sự hướng dẫn tận tình của các cấp, ngành. Đây là minh chứng cho sự đồng hành của tỉnh trong việc đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Xác định cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC là khâu đột phá, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thu hút đầu tư, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tổng thể chương trình cải cách hành chính một cách đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các cấp, ngành, địa phương; đồng thời ban hành các quyết định về cải cách TTHC.
Theo đó, tỉnh phê duyệt danh mục 1.524 TTHC thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp từ 3 ngày xuống còn 1,5 ngày làm việc; cắt giảm 30-35% thời gian giải quyết TTHC đối với các dự án đầu tư công; giảm 30% thời gian giải quyết dự án đầu tư trực tiếp; giải quyết các thủ tục đầu tư qua mạng đối với 100% dự án đầu tư nước ngoài.
Rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống 18 ngày; thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản trên đất theo quy định là 20 ngày làm việc xuống 15 ngày; thời gian và thủ tục đăng ký thế chấp và xóa thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là 3 ngày làm việc; cắt giảm số lần khai thuế giá trị gia tăng theo tháng xuống khai thuế theo quý.
Cùng với đó, tỉnh công khai, minh bạch cơ chế chính sách, quy hoạch của tỉnh trên Cổng thông tin - giao tiếp điện tử tỉnh, trên website của các sở, ban, ngành, địa phương.
Đến nay, phần mềm dùng chung cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các sở, ban, ngành, UBND huyện và UBND cấp xã đã đi vào hoạt động đồng bộ tại 164 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Việc sử dụng và cập nhật cơ sở dữ liệu trên phần mềm đã được 100% các cơ quan, đơn vị thực hiện.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo lập đầu mối chung quản lý, vận hành thống nhất, thuận tiện, hiện đại, giải quyết nhanh, có hiệu quả hồ sơ TTHC của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Đặc biệt, tháng 11/2019, UBND tỉnh thực hiện ứng dụng Zalo giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, huyện và 137 bộ phận một cửa cấp xã. Đồng thời thực hiện áp dụng chữ ký số từ quý IV/2019 đối với các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh, huyện, xã.
Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về cải cách TTHC, Vĩnh Phúc trở thành điểm “dừng chân” của nhiều nhà đầu tư. Hết tháng 2/2020, toàn tỉnh có gần 11 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh; thu hút gần 780 dự án DDI, gần 400 dự án FDI đang SXKD hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, tạo việc làm ổn định cho khoảng 80 nghìn lao động.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp SXKD; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, người dân tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; công khai, minh bạch các thông tin quy hoạch, các quy định pháp luật của Nhà nước, nhất là các thông tin doanh nghiệp quan tâm; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp liên quan đến TTHC.