Để công tác cải cách hành chính được triển khai hiệu quả, đồng bộ, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, tăng cường triển khai, cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC...
Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong CCHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp giải quyết TTHC tại cơ quan hành chính, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn đề xuất thí điểm thành lập mô hình Trung tâm hành chính công tỉnh (nay là Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh) và Trung tâm hành chính công cấp huyện. Đến nay, mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao và hài lòng với chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC tại Trung tâm hành chính công tỉnh và huyện.
Đồng thời, tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện rà soát, chuẩn hóa, xây dựng quy trình giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết để đưa vào giải quyết tại Trung tâm hành chính công; thường xuyên rà soát cắt giảm thời gian giải quyết để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Đến nay, tổng số TTHC trên địa bàn tỉnh được công bố theo quy định là 1.853 (không bao gồm các TTHC của các cơ quan ngành dọc và doanh nghiệp), trong đó, cấp tỉnh 1.471 TTHC; cấp huyện 280 TTHC; cấp xã 102 TTHC. Số TTHC cấp tỉnh thực hiện giải quyết tại Trung tâm hành chính công là 1.345/1.471 thủ tục (91%), trong đó, 1.040/1.345 thủ tục được thực hiện 4 bước: tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả tại Trung tâm hành chính công. Cấp huyện là 275-280 thủ tục thực hiện tại Trung tâm hành chính công. Số TTHC không đưa vào giải quyết tại Trung tâm chủ yếu là các TTHC đặc thù, đòi hỏi việc tiếp nhận và trả kết quả trực tiếp ngay tại thời điểm và địa điểm kiểm tra ở cơ sở.
Qua rà soát, nhiều sở, ngành đã rút ngắn nhiều thời gian giải quyết TTHC, số lần đi lại của cá nhân, tổ chức giảm trung bình 40% thời gian so với quy định Trung ương. Cụ thể như: Lĩnh vực giáo dục và đào tạo giảm 40% trở lên, lĩnh vực đầu tư giảm 45% thời gian, lĩnh vực tài nguyên và môi trường giảm từ 25,3% - 59,4%...
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai sử dụng thêm con dấu thứ 2 tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Trung tâm hành chính công cấp huyện. Đến nay, cấp tỉnh đã có 19 sở, ngành, đơn vị trực thuộc sở, ngành triển khai sử dụng con dấu thứ 2 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh theo đúng quy chế phối hợp quản lý con dấu đã ký kết với Trung tâm.
Cùng với đó, triển khai một số sáng kiến trong cải cách TTHC như: Triển khai ứng dụng zalo trong triển khai dịch vụ công trực tuyến và truyền thông từ tháng 3/2019; một số địa phương trên địa bàn tỉnh có cách làm mới trong giải quyết TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức. Đơn cử như tại TX Đông Triều, Trung tâm hành chính công thị xã thành lập tổ giải quyết TTHC lưu động giải quyết các TTHC cần thiết cho người dân liên quan đến điện, nước. Tại phường Thanh Sơn (TP Uông Bí), đã tổ chức tuyên truyền với đoàn viên thanh niên, người trẻ tuổi có khả năng sử dụng máy tính về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để hướng dẫn và thực hiện một số quy trình trong giải quyết TTHC cho các đối tượng là người già, người có hoàn cảnh đặc biệt.
Sau hơn 3 năm đưa vào thí điểm hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công trực thuộc UBND tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Trung tâm Phục vụ hành chính công đã đạt nhiều thành công, thể hiện tính hiệu quả trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân. Giai đoạn 2016-2018, số lượng TTHC giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các Trung tâm hành chính công cấp huyện tăng nhanh. TTHC tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tăng 40,2%; tại Trung tâm hành chính công cấp huyện tăng 45%. Số hồ sơ TTHC tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là 209.852 hồ sơ; tại Trung tâm HCC cấp huyện tiếp nhận hơn 1,4 triệu hồ sơ TTHC. Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm, các Trung tâm hành chính công đã tiếp nhận và giải quyết TTHC tương đương với số lượng thực hiện năm 2016. Chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC của Trung tâm hành chính công các cấp ngày càng được thực hiện tốt, đảm bảo đúng thời gian quy định. Kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân tổng hợp qua các kênh đánh giá đạt tỷ lệ cao, trung bình từ 97-98,9%.
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, việc triển khai thành công thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã khẳng định hướng đi đúng đắn của Quảng Ninh. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hiện nay là trung tâm hiện đại nhất cả nước, là bước tiến quan trọng để tỉnh thực hiện đột phá trong cải cách hành chính. Đây là mô hình có tính chất đột phá và mục tiêu phục vụ tốt nhu cầu giải quyết TTHC của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đã góp phần quan trọng tạo nên bước tiến vượt bậc đối với các chỉ số PCI, PAR INDEX, đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh trong tình hình mới.
Theo Quangninh.gov.vn