Trong quá trình thực hiện cải cách hành chính, thành phố Hà Nội xác định rõ cải cách hành chính cần dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, cho nên đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực, nhất là công tác quản lý nhà nước.
Hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến cho người dân. Ảnh: Diệu Anh
Là địa phương có nhiều nỗ lực về cải cách hành chính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội đã triển khai cổng dịch vụ công, các dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, hệ thống phần mềm “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố đã ứng dụng tại 22 sở, ban, ngành; 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.
Đến nay, đã có 1.321/1.796 thủ tục hành chính được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt 75%), trong đó mức độ 4 là 15,5%, mức độ 3 là 84,5%... Các lĩnh vực kê khai thuế điện tử và bảo hiểm xã hội đạt hơn 98%; đăng ký tuyển sinh đầu cấp trực tuyến đạt 86,5%.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song so với mục tiêu, yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập quốc tế, việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiện nay chưa đạt yêu cầu. Chị Nguyễn Thị Hoa (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, nhiều người dân chưa biết khai thủ tục hành chính qua mạng. Nếu không có “công dân điện tử” thì dù dịch vụ công trực tuyến có thân thiện bao nhiêu cũng sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn. Nhiều người cũng cho rằng, với những người trung và cao tuổi cần phải có sự hướng dẫn theo lối “cầm tay chỉ việc” thì mới thực hiện được tốt dịch vụ công.
Để khắc phục tình trạng này, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, địa phương bên cạnh việc chú trọng công tác bảo mật, tổ chức xây dựng đề án ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn nữa thì phải đổi mới hình thức tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Các hình thức thông tin tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dùng chung phải tiếp cận đến 100% hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội...
Mới đây, TP. Hà Nội đã tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến”. Với các nội dung liên quan trực tiếp đến dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tư pháp, giáo dục và đào tạo, lao động, thương binh và xã hội, Ban Tổ chức mong muốn qua cuộc thi, người dân sẽ hiểu và tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ công trực tuyến.
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đưa vào chương trình giảng dạy các kiến thức về dịch vụ công trực tuyến để mỗi học sinh sẽ trở thành một tuyên truyền viên cho gia đình. Bên cạnh đó, thành phố sẽ có nhiều hình thức tuyên truyền khác như xây dựng các đoạn quảng cáo ngắn giới thiệu dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 dùng chung của thành phố bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh; phát tờ rơi giới thiệu và cổ động sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Có thể thấy, cải cách hành chính luôn được thành phố Hà Nội xác định là “chìa khóa” quan trọng, quyết định thành công các chương trình, mục tiêu của địa phương, cũng như thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, công tác cải cách hành chính thời gian qua đã được triển khai bài bản, xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình tốt giúp tiết kiệm thời gian, công sức của các tổ chức và cá nhân khi có nhu cầu giao dịch hành chính. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, bước đầu đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân.
Theo Chinhphu.vn