UBND tỉnh Bình Dương vừa có văn bản đánh giá kết quả việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh. Văn bản này yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh việc thực hiện TTHC trực tuyến lĩnh vực đất đai nói riêng và trực tuyến đối với các lĩnh vực khác, cung ứng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ “một cửa” tài nguyên và môi trường TX.Bến Cát giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Hiện nay, toàn tỉnh đã triển khai 318 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó các TTHC thuộc ngành tài nguyên và môi trường còn khá khiêm tốn. Kết quả từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận và xử lý được 3.634 hồ sơ lĩnh vực đất đai cấp tỉnh, 350.059 hồ sơ lĩnh vực đất đai cấp huyện, 43.019 hồ sơ lĩnh vực đất đai cấp xã. Tất cả TTHC thuộc lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện đã thực hiện liên thông với chi cục thuế của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, ngành thuế đã chuyển được 256.347 phiếu chuyển thuế điện tử và nhận lại được 242.810 thông báo thuế điện tử.
Vấn đề khó hiện nay trong thực hiện giải quyết TTHC trực tuyến lĩnh vực đất đai là lĩnh vực này có số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết khá nhiều. Nhiều hồ sơ phức tạp và mất nhiều thời gian giải quyết nên số hồ sơ trễ hạn thường ở lĩnh vực đất đai. Việc triển khai thực hiện liên thông giữa ngành tài nguyên và môi trường với các cơ quan thuế, Tài chính, kho bạc, cơ quan quản lý xây dựng, cơ quan công chứng còn chậm nên gây khó khăn trong công tác thực hiện hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Việc liên thông giữa phần mềm một cửa điện tử tập trung của tỉnh và phần mềm chuyên ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chưa thể thực hiện thuận lợi việc liên thông, thực hiện hồ sơ trực tuyến…
Trước những khó khăn này, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành rà soát, đề ra giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện TTHC trực tuyến lĩnh vực đất đai. Hiện tại, UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2019. UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thống nhất trong việc đồng bộ dữ liệu, cho phép kết nối, liên thông giữa phần mềm chuyên ngành của bộ và phần mềm một cửa điện tử của tỉnh, góp phần tạo thuận lợi cho công tác tiếp nhận và luân chuyển hồ sơ, không phải thực hiện trên cả hai phần mềm.
UBND tỉnh sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin bảo đảm đầy đủ các yêu cầu thực hiện các TTHC trực tuyến thuộc lĩnh vực đất đai. UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để người dân, doanh nghiệp tin tưởng và thực hiện. Cùng với đó sẽ đẩy mạnh xã hội hóa những dịch vụ công Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện để các đơn vị có đủ năng lực, được sự cho phép của Trung ương tham gia vào hoạt động cung ứng các dịch vụ công theo quy định.
Theo báo Bình Dương