Những chỉ dấu tích cực
Công ty CP Tư vấn xây dựng và lắp đặt thiết bị Việt Nam (VINACE) hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế giám sát công trình. Giám đốc Ôn Mạnh Nghĩa nhớ lại trước đây, theo quy định, VINACE chỉ được tham gia và tiếp cận dự án xây dựng hạng 3 với tổng mức đầu tư không quá 15 tỷ đồng do thiếu chứng chỉ hành nghề. Muốn được cấp chứng chỉ này, doanh nghiệp phải có chứng chỉ 5 năm kinh nghiệm trở lên với thời hạn 5 năm. “Cái khó ló cái khôn”, VINACE chọn cách hợp tác với công ty lớn hơn để đủ điều kiện pháp nhân. Song, điều này làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Vậy nhưng, từ ngày 15.9, khi Nghị định 100/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng có hiệu lực, VINACE có thể tham gia đấu thầu trực tiếp cả với những công trình cấp 1.
Những tưởng, chỉ doanh nghiệp nhỏ như VINACE mới gặp khó khăn bởi giấy phép hành nghề. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (INTRACOM) Trần Thị Hương bày tỏ sự đồng cảm. “Trước đây, để được giám sát công trình hạng 1 thì phải có 10 - 30 nhân sự có chứng chỉ về hoạt động trong lĩnh vực giám sát cũng như bằng cấp chuyên môn. Nhưng nay Nghị định 100 cho phép doanh nghiệp chỉ cần chứng minh cán bộ chủ chốt có chứng chỉ hành nghề phù hợp sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. Đây là luồng gió mới cho doanh nghiệp xây dựng, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm đủ khuôn khổ pháp lý để quản lý”, bà Hương đúc kết.
Cùng với việc cắt giảm, đơn giản hóa 85% điều kiện kinh doanh theo Nghị định 100, mới đây, Bộ Xây dựng đưa vào vận hành Bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ. Đồng thời, công bố danh mục 41 thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận một cửa. “Đây là một chuyển động quan trọng trong quá trình cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam và là một tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp, người dân”, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn bình luận.
Đến nay đã hoàn thành 86 dự án với 34.700 căn hộ cho người thu nhập thấp ở đô thị.
Lắng nghe ý kiến chuyên gia và người dân
Theo Bộ Xây dựng, đến nay, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 37,8% với 819 đô thị. Các đô thị tiếp tục khẳng định vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và cả nước. Hiện, Bộ cũng đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho gần 135.800 hộ người có công và hơn 70.000 hộ nghèo khu vực nông thôn; hoàn thành 86 dự án với 34.700 căn hộ cho người thu nhập thấp tại đô thị; hoàn thành 100 dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp với khoảng 41.000 căn hộ. |
Những chỉ dấu trên đã minh chứng phần nào cho cam kết “luôn xác định việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, đổi mới điều kiện đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu” của lãnh đạo Bộ Xây dựng không chỉ là những phát ngôn! Thực tế, hàng năm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đều ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường đôn đốc, kiểm tra thực hiện.
Chỉ tính từ năm 2016 - tháng 8.2018, Bộ đã chủ trì soạn thảo, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành 79 văn bản quy phạm pháp luật. Hiện, Bộ đang chủ trì xây dựng 3 luật gồm Luật Kiến trúc; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật sửa đổi các Luật Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Quy hoạch đô thị liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh. Đồng thời, Bộ đã cắt giảm 85% điều kiện đầu tư kinh doanh trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; cắt giảm 52% số lượng sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành…
Nhìn vào những con số đó, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm bình luận “rất nổi trội”. Bởi lẽ, “nếu không có hệ thống chính sách đầy đủ, hợp lý sẽ không thể đi vào cuộc sống, không thể giải quyết những tồn đọng”, ông nhấn mạnh.
Điều khiến ông Nghiêm cảm thấy ấn tượng nữa là Bộ trưởng Bộ Xây dựng “đã chú trọng đến công tác phản biện xã hội của các chuyên gia, đặc biệt của các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đây là sự đổi mới, mạnh dạn hơn so với những người tiền nhiệm”. Ông Nghiêm lấy dẫn chứng: “Không chỉ với việc ban hành chính sách, ngay cả những vấn đề nóng liên quan khu triển lãm Giảng Võ (Hà Nội), Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh…), Bộ đều chú trọng lấy ý kiến chuyên gia, cộng đồng dân cư cũng như các tổ chức xã hội”.
Mặc dù hệ thống chính sách thuộc lĩnh vực xây dựng đang dần hoàn thiện, song nói như Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, “hệ thống này dù có đầy đủ nhưng triển khai không thực chất thì cũng không thể đi vào cuộc sống”.
Theo các chuyên gia, đô thị hóa có tính hai mặt khi vừa đẩy nhanh diện mạo đô thị song cũng gây ra những vấn đề về giao thông, môi trường. Do vậy, cần gắn kết công tác quy hoạch, quản lý xây dựng với phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh việc đổi mới thể chế, tổ chức lắng nghe ý kiến phản biện, Bộ Xây dựng cũng cần đối thoại trực tiếp để tìm giải pháp hữu hiệu trong các vấn đề nóng. “Bộ cần quan tâm đến việc nâng tầm năng lực và trình độ quản lý của các cơ quan trực thuộc, nhất là ở các địa phương để tiếp cận cái mới. Chỉ khi đó mới mong chính sách được triển khai hiệu quả”, ông Nghiêm nêu ý kiến.
Rõ ràng, thách thức phía trước còn nhiều nhưng trong vóc dáng những công trình xây dựng bề thế và hiện đại, trong sự lo toan cho những khu nhà ở, chung cư cho người thu nhập thấp, có thể thấy rõ dấu ấn trách nhiệm của ngành xây dựng. Tăng cường phân cấp cho địa phương, làm đúng vai trò giám sát, hoàn thiện chính sách và quản lý chặt chẽ quy hoạch, những bước đi chắc chắn cho thấy Bộ Xây dựng đã làm đúng cam kết của mình trước Quốc hội và cử tri cả nước!
Theo Báo điện tử Đại biểu nhân dân