Đó là tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp, người dân Việt Nam.
Thực ra mô hình trung tâm một cửa tập trung để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã thực hiện một thời gian qua tại cấp tỉnh, thành nhưng Bộ Xây dựng là nơi đầu tiên vận hành trung tâm một cửa hành chính tập trung.
Trước đây thủ tục hành chính được thực hiện tại cấp cục, vụ, quy trình chưa chuyên nghiệp, người dân, tổ chức phải tìm đến từng cục, vụ, thậm chí cá nhân để nhờ giải quyết.
Chỉ cần một người bận, cả quy trình tiếp nhận thủ tục bị đình trệ...
Với bộ phận một cửa, người dân đến một nơi và chuyển bộ phận chuyên môn giải quyết, giúp giảm chi phí, thời gian khi thực hiện thủ tục hành chính.
Thủ tục hành chính được xử lý tập trung có nhiều cái lợi. Đầu tiên là chuẩn hóa thủ tục hành chính, quy trình hướng dẫn chuyên nghiệp, các yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ, thời hạn, phí lệ phí...
Mô hình này tạo ra cơ chế minh bạch, hiệu quả để cá nhân, tổ chức phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức, viên chức.
Cái được lớn khác, đó là phục vụ cho công tác quản lý của bộ. Tập trung một đầu mối là cơ sở để lãnh đạo bộ đánh giá và theo dõi được khối lượng công việc, giám sát quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
Đây cũng là cơ hội tốt để tối ưu hóa hoạt động của bộ máy nhà nước, cán bộ tiếp xúc doanh nghiệp, người dân cần chuyên nghiệp hóa, giao tiếp thân thiện; cán bộ chuyên môn các cục, vụ tập trung vào xử lý hồ sơ chuyên nghiệp.
Đó cũng là động lực buộc người dân và doanh nghiệp tìm hiểu rõ quy trình, tránh nhờ cậy, trả tiền cho cán bộ nhà nước để tư vấn, phụ trách hoàn thành thủ tục, tiềm ẩn xung đột lợi ích và nguy cơ tham nhũng.
Tuy vậy, ý tưởng là một chuyện, vận hành mô hình này thành công là một thách thức rất lớn.
Nếu bộ phận một cửa không can thiệp vào quy trình nội bộ của các đơn vị giải quyết thủ tục hành chính mà vẫn trao toàn quyền cho các vụ, cục chuyên môn, xem như mô hình này chỉ là hình thức.
Để thúc đẩy công việc, vận hành bộ phận một cửa thành công thì phải làm quyết liệt, triệt để và thực chất mô hình này.
Bộ Xây dựng làm được, cải cách thành công thì chắc chắn các bộ, ngành khác cũng phải làm được.
Xa hơn, Bộ Xây dựng và Chính phủ cần hướng tới mô hình chính quyền điện tử như Singapore, một cổng điện tử duy nhất và thống nhất của Chính phủ nơi mọi người dân đều có thể dễ dàng vào làm thủ tục xin cấp phép, gia hạn, sửa đổi các giấy phép với các thủ tục hồ sơ, trình tự được niêm yết công khai và người dân tương tác dễ dàng với chính quyền trên nền tảng Internet.
Theo Tuổi trẻ online