Cùng dự, có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong năm qua, Ban Chỉ đạo CCHC, cơ quan thường trực là Bộ Nội vụ, đã chỉ đạo nhiều giải pháp và đạt kết quả tích cực, tạo chuyển biến trong hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng kiến tạo, phục vụ nhân dân. Chính phủ và Thủ tướng đã đặc biệt quan tâm CCHC, có sự chỉ đạo xuyên suốt, toàn diện nhằm thúc đẩy tiến trình cải cách gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ngay từ đầu năm và đưa ra các mục tiêu khá cao, trong đó môi trường đầu tư kinh doanh phải thuộc nhóm bốn ASEAN và tiếp cận tiêu chí OECD.
Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 01 và 19 năm 2018; năm 2019 ban hành Nghị quyết 01 và 02, trong đó có nội dung quan trọng là thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và xử lý vi phạm trong bộ máy hành chính.
Theo đó, Thủ tướng nêu các kết quả nổi bật, trong đó, thể chế và thủ tục hành chính được cải cách và hoàn thiện thêm một bước quan trọng, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ngoài Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra về nhiệm vụ mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, Thủ tướng đã thành lập Tổ Công tác công vụ và bước đầu thực hiện kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ở một số bộ, ngành và địa phương.
Thủ tướng cho biết, theo đánh giá của Liên hợp quốc, năm 2018, mức độ tiếp cận dịch vụ công điện tử của người dân Việt Nam tăng 29 bậc. Đây là thông tin vui, nhưng Thủ tướng nêu rõ không được chủ quan về kết quả này. Với những thành quả của CCHC đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước năm qua, nổi bật là môi trường đầu tư kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao niềm tin của người dân và DN vào Đảng, Nhà nước, bộ máy hành chính.
Quang cảnh Hội nghị.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, bất cập trong CCHC, trong đó có tình trạng gắn lợi ích cục bộ trong xây dựng các văn bản, quy định; còn tình trạng triển khai nhiều nội dung cải cách chưa quyết liệt, chưa đồng bộ; nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn xảy ra tình trạng trục trặc, “trên bảo, dưới không nghe”, “trên nóng, dưới lạnh”, đùn đẩy sợ trách nhiệm; chất lượng văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực còn hạn chế, chồng chéo, chậm trễ, kém chất lượng cần sửa đổi.
Một bộ phận cán bộ thái độ phục vụ, nhất là cán bộ tiếp xúc với dân, còn bất cập, chưa tận tụy và thuyết phục. Một số cơ quan thực hiện chế độ tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa đối thoại tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp. Tình trạng công dân, DN hỏi, cơ quan Nhà nước không trả lời, im lặng vẫn còn. Thủ tướng cũng nêu rõ, thủ tục hành chính (TTHC) một số lĩnh vực rườm rà trong một số lĩnh vực, còn tình trạng cắt giấy phép mẹ nhưng lại đẻ ra giấy phép con, TTHC còn nhiều, đi liền với đó là chi phí không chính thức...
Thủ tướng dẫn Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy có năm bất cập chủ yếu trong TTHC: Trình tự thực hiện phức tạp; thủ tục thiếu các bước thực hiện; thiếu mốc thời gian trong trình tự TTHC; thời hạn giải quyết thủ tục kéo dài; tiêu chí xem xét giải quyết TTHC còn mơ hồ. Đây chính là nguyên nhân gây nhũng nhiễu và tham nhũng vặt.
Đề cập giải pháp thời gian tới về CCHC, nhấn mạnh: phương châm hành động 12 chữ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Thủ tướng giao đề tài hai chữ cuối cùng là “bứt phá, hiệu quả” cho Ban Chỉ đạo mà trước hết là cơ quan thường trực; nêu rõ, đối với người dân và sự phát triển thì môi trường của chúng ta phấn đấu đứng vào nhóm đầu ASEAN về đầu tư kinh doanh để giải phóng lực lượng sản xuất, mọi người dân, DN đều phát huy trí tuệ, khởi nghiệp, làm ăn. Nền hành chính phục vụ nhân dân phải được quán triệt trong mọi cơ quan, mọi cơ quan hành chính, kể cả đơn vị sự nghiệp công để phục vụ nhân dân.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, sửa các văn bản lạc hậu, sai sót, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật theo hướng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; vấn đề công chức, viên chức, bộ máy... liên quan người dân và DN phải được cụ thể, rõ hơn, trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp khẩn trương ban hành bộ tiêu chí theo dõi đánh giá mức độ hiệu quả thực thi pháp luật của các bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng tham nhũng vặt, gây bức xúc trong xã hội. Tình trạng đó là không thể chấp nhận, phải lên án công khai minh bạch; phải nói mạnh mẽ hơn để toàn xã hội, lên án, giám sát.
Tại Hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo tất cả các địa phương, các ngành đều phải có phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm điều kiện kiểm tra chuyên ngành, tránh tình trạng cắt giấy phép mẹ, đẩy giấy phép con; tạo thuận lợi cho người dân và DN.
Theo Báo cáo kết quả cụ thể về cải cách thể chế, việc xây dựng văn bản quy định chi tiết đã có sự chuyển biến tích cực khi số lượng văn bản nợ ban hành chỉ còn bốn văn bản. Tính đến cuối năm 2018, Ban Chỉ đạo đã tham mưu Chính phủ khóa XIV ban hành 28/30 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 18 bộ, bốn cơ quan ngang bộ và sáu cơ quan thuộc Chính phủ. Qua đó, nhiều đơn vị đã giảm mạnh đầu mối, như Bộ Công an đã sắp xếp, bỏ 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp vụ và gần 300 đơn vị cấp phòng; Bộ Tài chính đã ban hành quyết định giải thể 43 phòng giao dịch của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; sắp xếp lại, cắt giảm được 18 chi cục thuế. Từ năm 2015 đến giữa tháng 10-2018, tổng số biên chế cả nước đã được tinh giản là 40.500 người, trong đó, số biên chế về hưu trước tuổi chiếm khoảng 86 %.
Theo Nhân dân điện tử