Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các hiệp hội ngành nghề, ngành hàng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2018, kinh tế-xã hội của nước ta có những chuyển biến tích cực, toàn diện, ta đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kế hoạch; tăng trưởng GDP đạt 7,08%, vượt kế hoạch đề ra. Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả trọng tâm trong chỉ đạo điều hành như: Ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.
Trong những thành tựu to lớn đó, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cũng có những đóng góp nhất định trong kết quả chung với việc bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên 03 lĩnh vực trọng tâm là: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Năm 2018, Hội đồng tổ chức 12 phiên làm việc và hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước; tổ chức thành công Hội nghị công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (Báo cáo APCI 2018); đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách đối với các ngành kinh tế mũi nhọn và cải cách các vấn đề đang còn là rào cản, thách thức cho doanh nghiệp phát triển; được cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đánh giá tích cực. Năm 2018, Hội đồng đã tham gia ý kiến đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành…
Tính từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 110,6%, vượt 10,6% so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ); các bộ, ngành đã trình ban hành và ban hành được 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (đạt 136,5%, vượt 36,5% so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ); giúp tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương trên 6.300 tỷ đồng.
Riêng trong 4 tháng đầu năm 2019, với vai trò cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh trong Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Bussiness) của Ngân hàng Thế giới; đã chủ trì điều phối và tổ chức các buổi làm việc của chuyên gia Ngân hàng Thế giới với các bộ, ngành liên quan để trao đổi về 06/10 chỉ số thành phần trong Doing Bussiness; đôn đốc các bộ, cơ quan liên quan cập nhật, cung cấp kết quả cải cách về chính sách, quy định, thủ tục hành chính của Việt Nam gửi Ngân hàng Thế giới, phục vụ xây dựng Báo cáo Doing Bussiness 2020; chủ trì 07 cuộc họp với 13 hiệp hội doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan để tiếp nhận 69 vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp; đã kiến nghị giải quyết 54 vấn đề (15 vấn đề chưa đủ cơ sở xử lý), trong đó, 23 vấn đề đã được giải quyết; những vấn đề còn lại đã được các bộ tiếp thu và cam kết hoàn thành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Về việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025; tạo lập cơ sở pháp lý cho triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Ngày 12/3 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới.
Trong năm 2019, tiếp tục hoàn thành và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Trung tâm chỉ đạo, điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet); Hệ thống thông tin tham vấn chính sách (e-Consultation)…
Đặc biệt, các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bảng xếp hạng quốc tế ngày càng được cải thiện. Ngày 6/4 vừa qua, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard&Poors vừa công bố nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định”, đồng thời khẳng định xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức “B”. Điều này dự báo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh, phản ánh môi trường hoạch định chính sách của Việt Nam đang được cải thiện.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Năm 2019 được Chính phủ xác định là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 05 năm 2016-2020, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hưởng ứng chủ đề của Chính phủ năm 2019 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và xóa bỏ những rào cản hành chính mà doanh nghiệp đang gặp phải, hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước, từ đầu năm đến nay, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã tổ chức 3 cuộc họp với các doanh nghiệp các ngành: Thủy sản, nông nghiệp, chế biến và công nghiệp nhẹ để tiếp nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Chinhphu.vn