Các địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Thứ ba, 19/11/2019 13:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt về đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã triển khai và đạt được một số kết quả quan trọng trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Thực hiện mục tiêu sớm trở thành tỉnh công nghiệp, thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), thủ tục hành chính (TTHC) trên nhiều phương diện. Nhờ quyết tâm cao và hành động quyết liệt, tỉnh Hưng Yên đã đạt kết quả bước đầu khá tích cực, góp phần quan trọng cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) đến đầu tư tại địa phương.

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Hưng Yên hiện đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4, thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết đối với TTHC của 15 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh cùng một số cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn. Trung tâm hoạt động với mục tiêu lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ, tạo bước đột phá trong công tác cải cách TTHC của tỉnh, thể hiện qua thái độ tích cực, cởi mở của chính quyền tỉnh đối với DN và khả năng phối hợp giữa các cơ quan trong việc giải quyết công việc liên quan đến phục vụ DN. Thông qua hoạt động của trung tâm, các TTHC được công khai, minh bạch. Việc tiếp nhận, giải quyết các TTHC được giám sát, kiểm tra, đôn đốc và thực hiện nhất quán nhằm bảo đảm tiến độ, đơn giản hóa quy trình, cắt giảm thời gian, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

UBND tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh công bố, công khai các TTHC nhằm minh bạch hóa công tác điều hành, quản lý kinh tế, cũng như các thông tin liên quan đến chủ trương, chính sách và các quy định của Chính phủ, các bộ, ngành, của tỉnh để phục vụ người dân, DN. Việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp CCHC, TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ dịch vụ công của các cơ quan tỉnh Hưng Yên đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI), tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

9 tháng năm 2019, tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận 80 dự án đầu tư, nâng tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 1.896 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 132 nghìn tỷ đồng và gần 5 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án công nghệ cao, giá trị sản xuất lớn đi vào hoạt động. Tỉnh Hưng Yên đã giải phóng mặt bằng được hơn 2.500 ha đất, giao cho các dự án đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đến nay, có gần 1.000 dự án đi vào hoạt động, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Trong thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động phục vụ tốt nhất cho người dân và DN. Khuyến khích các sáng kiến, cải tiến rút ngắn quy trình, giảm số lượng và đơn giản hóa TTHC. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao (mức độ 3, mức độ 4) trong công tác tiếp nhận, xử lý các hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức, nhất là các hồ sơ trong lĩnh vực hợp tác đầu tư. Theo dõi, giám sát việc giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị để kịp thời đôn đốc, bảo đảm tiến độ, đồng thời làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong việc giải quyết TTHC cho người dân và DN.

Đồng thời, tạo thuận lợi, hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại. Hỗ trợ, khuyến khích các DN đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.

Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách TTHC trên một số lĩnh vực trọng tâm có liên quan đến doanh nghiệp và người dân như thuế, kho bạc, hải quan, đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, lý lịch, tư pháp, hộ tịch, UBND tỉnh Quảng Bình đã giao cho các sở, ngành có liên quan chú trọng rà soát bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, kịp thời tìm ra những TTHC còn rườm rà để tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, đơn giản hóa.

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC các lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường, doanh nghiệp, lao động, thương mại trong khu kinh tế... với tỷ lệ kiến nghị cắt giảm trên 30% so với chi phí tuân thủ TTHC hiện tại; đồng thời tập trung rà soát, triển khai rút ngắn tối thiểu 10% thời gian trong quá trình giải quyết TTHC so với thời hạn được pháp luật quy định. Bên cạnh đó, 100% hồ sơ của các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đều được tiếp nhận qua một cửa liên thông.

Các TTHC thuộc lĩnh vực đất đai đã được rút ngắn thời gian giải quyết từ 10% trở lên so với quy định nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức và hộ gia đình sớm nhận kết quả. Trong lĩnh vực xây dựng, các TTHC về thẩm định thiết kế cơ sở/thiết kế cơ sở điều chỉnh đối với dự án nhóm B, C; thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công; cấp phép xây dựng được giảm 10 - 33% thời gian, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.

Từ năm 2016 trở đi, UBND tỉnh Quảng Bình đã tăng cường đối thoại, gặp gỡ với nhà đầu tư, doanh nghiệp lên 3 tháng/1 lần, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức đối thoại với nhà đầu tư, doanh nghiệp vừa và nhỏ 3 tháng/1 lần nhằm chia sẻ, thảo luận về các vướng mắc liên quan cơ chế, chính sách, TTHC... Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh thực hiện thường xuyên lịch tiếp công dân hàng tháng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn của tổ chức, công dân về quy định hành chính và thực hiện TTHC. Các cơ quan, đơn vị liên quan định kỳ điều chỉnh, bổ sung và công khai kịp thời trên các kênh thông tin, Cổng Thông tin điện tử tỉnh về cơ chế, chính sách, quy hoạch nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin, tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện quy định của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, đến nay, 100% cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu hộ tịch trong đăng ký và quản lý hộ tịch. Tính đến ngày 13/9/2019, toàn tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 8.490 trường hợp, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái; cấp phiếu 8.367 trường hợp, tăng 2,04%, trong đó tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính 5.563 trường hợp.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp; tập trung thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thường xuyên phối hợp với địa phương để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp. Tổng số dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 20.469 tỷ đồng, chiếm 40,87% tổng dư nợ toàn tỉnh...

Thực hiện “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội” năm 2019, trong 9 tháng đầu năm, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ 6 nhiệm vụ của công tác CCHC, trong đó lấy “yếu tố con người” với ý thức tự đổi mới, xác định phục vụ cá nhân, doanh nghiệp là mục tiêu cần hướng đến và chủ động đề ra sáng kiến, giải pháp để góp phần thực hiện CCHC là trọng tâm để thực hiện đột phá trong cải cách, gắn với việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, cơ chế phân cấp, ủy quyền và lấy thu nhập tăng thêm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm động lực thúc đẩy.

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác CCHC trong những tháng cuối năm 2019, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động CCHC các cấp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP; tiếp tục triển khai Đề án thực hiện và sử dụng nguồn lực cải cách tiền lương chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, số lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, đơn vị tùy tiện quy định những thủ tục gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hoàn tất việc rà soát, công bố quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính; triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng TPHCM thành TP thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; thống nhất việc ứng dụng công nghệ thông tin từ TP đến phường - xã - thị trấn theo Kiến trúc chính quyền điện tử...

Riêng Văn phòng UBND TP tham mưu giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính trên từng lĩnh vực được xử lý trực tuyến cấp độ 4; trình công bố quy trình phối hợp các sở, quận, huyện có thời hạn giải quyết các TTHC liên quan đến doanh nghiệp, người dân; tổ chức sơ kết việc triển khai mô hình “Hệ thống Phòng họp không giấy” và “Ứng dụng giao việc tức thời - nhắc việc thông minh”.

Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện giải quyết đạt từ 80% trở lên hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó có từ 10% trở lên số hồ sơ được tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính, có từ 15% trở lên số hồ sơ được trả kết quả qua dịch vụ bưu chính; phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP,  Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng đạt từ 20% hồ sơ được tiếp nhận.

UBND quận - huyện thực hiện đạt từ 30% trở lên hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; trong đó có từ 10% trở lên số hồ sơ được tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính, có từ 15% trở lên số hồ sơ được trả kết quả qua dịch vụ bưu chính.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)