Sau hơn một năm thực hiện, các địa phương, cơ quan, đơn vị của tỉnh Hưng Yên đã chủ động tổ chức triển khai, cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với thực tế, với mục tiêu sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, thu hút người có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Các cơ quan khối đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội đã tiến hành rà soát, xây dựng phương án, đề án sắp xếp, cơ cấu tổ chức, giảm được 38 đơn vị, hơn 120 phòng, ban, đầu mối; giảm 125 cán bộ cấp phó và hơn 1.000 cán bộ, nhân viên không hưởng lương ngân sách. Sau khi sắp xếp lại bộ máy, tỉnh Hưng Yên đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng nhiều hình thức, phát huy tinh thần gương mẫu, kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, chất lượng làm việc của các cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao, hoạt động của các cơ quan đơn vị ngày càng phát huy hiệu quả.
Qua sắp xếp lại bộ máy, ngành y tế tỉnh Hưng Yên đã thu gọn, giảm 30 đầu mối của 12 đơn vị như: sáp nhập 10 trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình vào các trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã; thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hưng Yên trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe. Các chi cục giảm ba phòng; các địa phương giải thể bảy trạm y tế… Ðồng thời, ngành y tế tiếp nhận hơn 500 cán bộ y tế học đường và Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh. Các cơ sở khám chữa bệnh công lập đã chuyển đổi thực hiện tự chủ tài chính chi thường xuyên.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên Nguyễn Quang Lâm cho biết: Sau khi sắp xếp lại bộ máy, tổ chức, tinh giản biên chế, hoạt động của các đơn vị trong ngành y tế được cải thiện, nâng cao. Công tác phòng, chống dịch bệnh có nhiều chuyển biến tích cực, được kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Các cơ sở khám chữa bệnh công lập đã đổi mới phong cách phục vụ, quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, bác sĩ, nhất là chuyên khoa sâu, tiếp nhận triển khai hàng trăm kỹ thuật mới; trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh được đầu tư hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, mang lại sự hài lòng của người bệnh; tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên giảm mạnh. Các bệnh viện tuyến huyện đã tự chủ được một phần tài chính; Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên, Bệnh viện đa khoa Phố Nối, Bệnh viện Sản Nhi đã tự chủ tài chính, đời sống cán bộ, y, bác sĩ được cải thiện.
Việc tổ chức thực hiện Kế hoạch số 88-KH/TU và Chương trình hành động số 24-CTr/TU của Tỉnh ủy Hưng Yên được quán triệt sâu rộng, triển khai thực hiện dân chủ, khách quan, nêu cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức; đã cơ bản tạo được sự nhất trí, đồng thuận cao từ tỉnh đến cơ sở, phát huy được tinh thần tự giác, trách nhiệm và sự ủng hộ của nhân dân. Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị thực hiện còn chậm tiến độ; một số nhiệm vụ đã xây dựng đề án nhưng chưa tổ chức thực hiện; một số nơi có biểu hiện thiếu chủ động, chưa quyết liệt, chậm đề xuất giải pháp phù hợp với thực tế của địa phương, đơn vị. Việc triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gặp nhiều khó khăn. Việc ban hành thông tư hướng dẫn chưa đồng bộ, kịp thời nên việc kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất, giải thể chuyển đổi mô hình hoạt động và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều vướng mắc.
Để thực hiện tốt hơn nữa Kế hoạch số 88-KH/TU, Chương trình hành động số 24-CTr/TU, tỉnh Hưng Yên tiếp tục triển khai các nhiệm vụ giải pháp: Tăng cường phổ biến, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động của BCH Ðảng bộ tỉnh và của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị, Nghị định số 108/2014/NÐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ. Chỉ đạo các cấp ủy tập trung chuẩn bị, triển khai, thực hiện tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp; làm cơ sở để thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HÐND cấp xã, cấp huyện. Tiếp tục thực hiện sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị của tỉnh bảo đảm tinh gọn, thu gọn đầu mối, giảm đến mức thấp nhất đầu mối bên trong của các sở, ban, ngành, các ban, chi cục, ban quản lý dự án và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các sở, ban, ngành, chi cục, UBND các huyện, thành phố; hợp nhất, sáp nhập các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc có mối liên hệ chặt chẽ, bảo đảm quy mô hợp lý; giải thể các tổ chức có quy mô nhỏ, hoạt động không hiệu quả; không đề xuất việc chia tách, thành lập mới làm tăng thêm đầu mối tổ chức và biên chế (trừ trường hợp đặc biệt thật cần thiết phải thành lập tổ chức mới do yêu cầu cấp thiết phục vụ nhiệm vụ chính trị và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu khi có chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thì các cơ quan, đơn vị, địa phương tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế được giao). Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Rà soát, xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; sắp xếp lại mạng lưới các trường, lớp học, bố trí đủ sĩ số học sinh trên lớp theo các cấp, bậc học; sắp xếp lại mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đúng quy định; xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh theo hướng giảm đầu mối, đẩy mạnh xã hội hóa và tự chủ tài chính để giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách và giảm chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả hoặc lĩnh vực Nhà nước không nhất thiết nắm giữ; xem xét hợp nhất, sáp nhập các đơn vị cùng ngành, lĩnh vực và hoạt động trên cùng một địa bàn theo quy hoạch được duyệt; chuyển đổi cơ chế, mô hình hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sang loại hình tự chủ một phần hoặc toàn bộ kinh phí hoạt động; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng quyền tự chủ và thúc đẩy xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập; chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác hoạt động theo cơ chế tự chủ toàn bộ sang loại hình công ty cổ phần khi có đủ điều kiện theo quy định.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, thực hiện quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc theo đúng quy định; tăng cường quản lý công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, chấn chỉnh tình trạng hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo ngạch, chức danh nghề nghiệp và đề án vị trí việc làm, khung năng lực của từng vị trí việc làm được Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức và việc chuyển viên chức, cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp tỉnh, cấp huyện. Cơ quan, đơn vị, địa phương chưa sử dụng hết số biên chế được giao cần xây dựng kế hoạch để tuyển dụng công chức, viên chức theo quy định gắn với Ðề án tinh giản biên chế của tỉnh được duyệt, nếu không có lý do chính đáng sẽ thực hiện cắt giảm tương ứng với số biên chế chưa sử dụng...
Theo Nhân dân điện tử