Về phía Thủ đô Viên Chăn có sự tham dự của TS. Sinlavong Khoutphaythounne, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư, Đô trưởng Thủ đô Viêng Chăn, Trưởng đoàn đại biểu cấp cao Thủ đô Viêng Chăn, Lào cùng lãnh đạo các Sở Tài chính, Công Thương, viên nghiên cứu… Về phía TP. Hà Nội có sự tham dự của Chủ tịch UBDN TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành của Thành phố.
CNTT là công cụ đắc lực của cải cách hành chính
Theo Chủ tịch TP. Hà Nội, buổi tọa đàm là cơ hội để 2 Thủ đô trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nói chung và cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng công nghệ (CNTT) nói riêng.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, một trong những giải pháp mang tính đột phá, chiến lược nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, hướng tới nền hành chính phục vụ được TP. Hà Nội xác định chính là CCHC, CCHC là một trong 3 khâu đột phá của Thành phố. Trong đó xác định lấy CNTT là công cụ chính phục vụ đắc lực cho CCHC.
Mục tiêu của CCHC là nâng cao hiệu lực quản lý điều hành của bộ máy hành chính và nâng cao năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức. Chính vì vậy, ngay từ đầu 2016, Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ các nội dung và bước đi chắc chắn trong CCHC, ứng dụng CNTT trong CCHC.
Kết quả năm 2016, Hà Nội đã sắp xếp xong cơ bản bộ máy hành chính và các doanh nghiệp công ích của Thành phố. Hà Nội đã mạnh dạn loại bỏ các chương trình CNTT đã được xây dựng trong 5 năm trước (2010-2015) để xây dựng hệ thống CNTT mạng dùng chung từ Thành phố đến 584 phường, xã, thị trấn. Hiện nay, TP. Hà Nội là tỉnh thành đầu tiên trong cả nước thiết lập hệ thống mạng dùng chung. Với việc triển khai đồng bộ CCHC, ứng dụng CNTT nên năm 2016 chỉ số năng lực cạnh tranh của TP. Hà Nội đã tăng 10 bậc, xếp thứ 14 toàn quốc về năng lực cạnh tranh.
Chính từ nhờ CCHC, năm 2016, Hà Nội đã thu hút đầu tư nước ngoài đạt 3,11 tỷ USD, gấp hơn 3,5 lần so với 2015; thu hút các doanh nghiệp quay lại đầu tư tại Hà Nội đạt 439 nghìn tỷ đồng. Nhiều dịch vụ hành chính công đã thực hiện trên môi trường mạng.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: “Có thể nói bước đầu xác định công cuộc CCHC thông qua đẩy mạnh ứng dụng CNTT của TP. Hà Nội đã thu được kết quả tốt đẹp. Kết quả năm 2016, về xếp hạng ứng dụng CNTT, Hà Nội đã đứng đầu cả nước; từ đứng thứ 3 lên thứ thứ 2 cả nước về nội dung ứng dụng CNTT trong bộ máy hành chính Nhà nước”.
Thu gọn đầu mối về thủ tục hành chính
Tại buổi tọa đàm, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng đã giới thiệu một số điểm nổi bật trong CCHC của TP. Hà Nội trong cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, về tài chính công và hiện đại hoá nền hành chính.
Điểm nổi bật là TP. Hà Nội thực hiện kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, đa ngành, đa lĩnh vực và phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động gắn với việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và tinh giản biên chế.
Kết quả năm 2016, Hà Nội đã sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của 22/22 sở và tương đương. Sau sắp xếp giảm 46 phòng, ban và giảm 6 phòng so với quy định; TP. Hà Nội cơ bản đã sắp xếp xong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố; các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cấp huyện được sắp xếp đã giảm từ 229 đơn vị còn 96 đơn vị (giảm 58%)...
Giải đáp câu hỏi của đoàn Thủ đô Viêng Chăn về khó khăn, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, việc khó nhất là đối thoại với cán bộ để tạo ra sự đồng thuận trong quá trình thu gọn bộ máy hành chính. Thứ hai là phải đề ra những chính sách hài hoà với số cán bộ cấp phòng giảm chức vụ để công việc diễn ra bình thường và không ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Khó khăn tiếp theo là sắp xếp lại nội dung công việc của các đơn vị còn chồng chéo để thu gọn đầu mối.
Với ứng dụng CNTT khó nhất là để tất cả mọi người cùng đồng lòng tham gia, Chủ tịch TP. Hà Nội cho biết, trước kia mỗi quận, huyện, sở có chương trình phần mềm riêng và đứng sau là mỗi công ty khác nhau. Nay Thành phố thiết lập lại thành một hệ thống để chỉ đạo tập trung, cách thực hiện là giải thích tuyên truyền vì sự thuận tiện và đi đúng sự phát triển của thế giới hiện nay. Bên cạnh đó, do trình độ khác nhau nên phải tăng cường công tác đào tạo. Quan trọng nhất là có các giải pháp bảo mật cho hệ thống ngay từ đầu để cho hệ thống hoạt động an toàn, bảo mật.
Thay mặt đoàn đại biểu Lào, TS. Sinlavong Khoutphaythounne, Đô trưởng Thủ đô Viêng Chăn bày tỏ sự vui mừng và cảm ơn TP. Hà Nội vì đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm rất quý giá cho Thủ đô Viêng Chăn.
Vấn đề CCHC và ứng dụng CNTT là những vấn đề Thủ đô Viêng Chăn rất quan tâm và mong muốn được học hỏi kinh nghiệm, TS. Sinlavong Khoutphaythounne cho biết sẽ giao cho các sở ngành, viện nghiên cứu để xây dựng các chương trình ứng dụng CNTT vào CCHC dựa trên những kinh nghiệm của TP. Hà Nội. Thủ đô Viêng Chăn cũng đề nghị Thủ đô Hà Nội đẩy mạnh chương trình ký kết biên bản ghi nhớ giữa 2 thành phố.
Về nội dung này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, giữa 2 Thủ đô sẽ xúc tiến dự thảo chương trình ký kết biên bản ghi nhớ và việc ký kết sẽ được thực hiện tại Thủ đô Viêng Chăn, thời điểm ký kết sau khi hoàn tất nội dung được hai bên thống nhất.
Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, TP. Hà Nội sẵn sàng cử cán bộ và chuyên gia để giúp Thủ đô Viêng Chăn thực hiện đề án ứng dụng CNTT vào CCHC; đào tạo cán bộ quản lý về hành chính nhà nước; xây dựng lộ trình cụ thể để doanh nghiệp hai bên hỗ trợ kinh doanh. Hà Nội cũng sẵn sàng giúp Thủ đô Viêng Chăn thành lập viện nghiên cứu kinh tế-xã hội trực thuộc Thủ đô Viêng Chăn.
Theo chinhphu.vn