Nghiệm thu các dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam do Viện Vật liệu xây dựng biên soạn

Thứ sáu, 24/05/2019 16:24
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 23/5/2019, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng tổ chức nghiệm thu 03 dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) do Viện Vật liệu xây dựng biên soạn, gồm: TCVN “Chất biến tính Polyme dạng bột và dạng Latex sử dụng cho vữa và bê tông xi măng - Yêu cầu kỹ thuật”; TCVN “Vật liệu xảm dạng Latex - Yêu cầu kỹ thuật” và TCVN “Vật liệu dán tường dạng cuộn, vật liệu dán tường độ bền cao - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử”. Các tiêu chuẩn này được chuyển dịch từ tiêu chuẩn ASTM. Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng TS. Nguyễn Quang Hiệp - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Tại cuộc họp, thay mặt nhóm biên soạn, các Chủ nhiệm dự án trình bày tóm tắt Báo cáo thuyết minh tóm tắt 3 dự thảo tiêu chuẩn nêu trên, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng các tiêu chuẩn này. 

Đối với TCVN “Chất biến tính Polyme dạng bột và dạng Latex sử dụng cho vữa và bê tông xi măng - Yêu cầu kỹ thuật”, Ths. Đào Quốc Hùng cho biết, trong thời đại phát triển của công nghiệp xây dựng hiện đại, các sản phẩm vật liệu truyền thống dần được thay thế hoặc cải tiến nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tế, như: Vữa và bê tông, phụ gia hóa học cho bê tông, phụ gia giữ nước, phụ gia siêu giảm nước duy trì thời gian đông kết. 

Một số vật liệu sử dụng để cải tiến cho vữa và bê tông về khả năng bám dính và chống thấm đang được sử dụng phổ biến là chất biến tính Polyme dạng bột và dạng Latex. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm này được đưa ra thị trường kèm theo tiêu chuẩn cơ sở do nhà sản xuất công bố, nên không có sự thống nhất về các chỉ tiêu kỹ thuật cũng như mức độ chất lượng đạt được. Do đó, việc xây dựng TCVN “Chất biến tính Polyme dạng bột và dạng Latex sử dụng cho vữa và bê tông xi măng - Yêu cầu kỹ thuật” là cần thiết, nhằm đánh giá tính chất của sản phẩm, giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm trên thị trường.

Tiêu chuẩn này quy định yêu cầu kỹ thuật cho các Polyme dạng bột và dạng Latex được sử dụng làm chất biến tính cho vữa và bê tông xi măng để cải thiện khả năng bám dính và độ chống ẩm. Các sản phẩm vữa chuyên dụng, đóng gói sẵn không nằm trong phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn này. Nội dung của tiêu chuẩn bao gồm: Phạm vi áp dụng, tài liệu viện dẫn; thuật ngữ; phân loại; thông tin đặt hàng; tính chất cơ học và vật lý; mức độ tương đương và đồng nhất lô hàng; bảo quản; mẫu và kiểm tra; phương pháp thử; tình huống từ chối; bao gói, ghi nhãn. 

Đối với TCVN “Vật liệu xảm dạng Latex - Yêu cầu kỹ thuật”, Ths. Vũ Ngọc Quí cho biết, vật liệu xảm giúp tránh các nguy hại cho tòa nhà, kết hợp với vật liệu nền tạo thành một cấu trúc chặt chẽ và khô ráo, tránh các tác động của mưa, gió, ẩm ướt. Đối với các công trình xây dựng có cấu trúc mái dạng dốc, dạng lõm ở tâm, hay chồng chéo, nếu chất xảm không đảm bảo chất lượng sẽ khiến cấu trúc mái của công trình mất đi lớp rào chắn ngăn ngừa sự tiếp xúc trực tiếp với môi trường. Do đó, việc biên soạn tiêu chuẩn TCVN “Vật liệu xảm dạng Latex - Yêu cầu kỹ thuật” là cần thiết nhằm kiểm soát tính chất đầu vào của sản phẩm vật liệu xảm Latex. Tiêu chuẩn này quy định yêu cầu kỹ thuật cho chất xảm dạng Latex dùng xảm các mối nối trong công trình xây dựng

Đối với tiêu chuẩn TCVN “Vật liệu dán tường dạng cuộn, vật liệu dán tường độ bền cao - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử”, Ths. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, đây là loại vật liệu dán tường có độ bền cơ học cao, dễ dàng làm sạch và thường được sử dụng ở những nơi có mật độ lưu thông cao hoặc các trung tâm thương mại. Trên thị trường Việt Nam hiện nay có nhiều thương hiệu vật liệu dán tường, nhưng chưa có tiêu chuẩn quốc gia quy định chất lượng cho vật liệu dán tường dạng cuộn có độ bền cao, nên cần thiết phải xây dựng tiêu chuẩn TCVN “Vật liệu dán tường dạng cuộn, vật liệu dán tường độ bền cao - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử”.

Tiêu chuẩn này áp dụng cho vật liệu dán tường độ bền cao dạng cuộn để dán lên tường và trần bằng cách phủ keo toàn bộ bề mặt tiếp xúc giữa vật liệu dán tường và nền và không có mục đích trang trí sau khi dán. Tiêu chuẩn quy định các yêu cầu về kích thước, khả năng rửa, độ bền va đập, cấp bền màu với ánh sáng, mức thôi nhiễm lớn nhất của các kim loại nặng và một số nguyên tố khác, hàm lượng monome vinyl clorua và hàm lượng formaldehyt phát tán; quy định về ghi nhãn và hệ thống định danh. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho vật liệu cứng, vật liệu không được dán hoặc không dán được bằng keo, các loại vật liệu dán tường dùng làm nền để trang trí tiếp, các loại vật liệu dán tường dạng dệt và các loại vật liệu dán tường không dùng để trang trí như giấy lót tường hoặc các loại vật liệu dán tường có tính chất đặc biệt, ví dụ như cách nhiệt hoặc cách âm.

Nội dung của tiêu chuẩn gồm các phần: Lời giới thiệu; Phạm vi áp dụng; Tài liệu viện dẫn; Thuật ngữ và định nghĩa; Yêu cầu kỹ thuật; Ghi nhãn và bao gói; Phân loại và ký hiệu; Phụ lục A (quy định) Lấy mẫu thử nghiệm; Thư mục tài liệu tham khảo.

Nhằm nâng cao chất lượng các dự thảo TCVN nêu trên, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đóng góp các ý kiến cho dự thảo, như: Sử dụng chính xác và thống nhất một số thuật ngữ; chú ý Việt hóa trong quá trình biên dịch; biên tập một số lỗi văn bản.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng TS. Nguyễn Quang Hiệp đánh giá nhóm tác giả Viện Vật liệu xây dựng đã có nhiều cố gắng trong việc biên soạn các tiêu chuẩn theo nhiệm vụ được giao, chuyển dịch bám sát nội dung bản gốc, đảm bảo tính logic, khoa học.

TS. Nguyễn Quang Hiệp cũng thống nhất với các ý kiến góp ý của chuyên gia phản biện và các thành viên Hội đồng, đề nghị nhóm biên soạn tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện các dự thảo TCVN, sớm trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, gửi Bộ Khoa học và công nghệ công bố.

Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu các dự thảo TCVN nêu trên, với kết quả đều đạt loại Xuất sắc.


Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)